VIPDERVIR có được gọi là thuốc điều trị Covid-19?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, việc công bố sản phẩm là nghiên cứu thành công thuốc trị Covid-19 khi mới tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng, đồng thời đưa luôn tên thương mại dễ gây hiểu lầm cho người dân và cộng đồng.

Sản phẩm VIPDERVIR do Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh Covid-19. Ảnh: Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Sản phẩm VIPDERVIR do Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh Covid-19. Ảnh: Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Phát hiện thực phẩm chức năng trùng tên thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 VIPDERVIR

Ngày 10/8, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc VIPDERVIR điều trị Covid-19.

Ngay sau đó, trên mạng xã hội chia sẻ một sản phẩm thực phẩm chức năng có thiết kế nhãn hiệu tương tự với tên gọi VIPDERVIR C. Hơn nữa đây lại là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia - là đơn vị cùng tham gia nghiên cứu loại thuốc nêu trên.

Liên quan đến việc này, chiều tối 11/8, Công ty cổ phần Dược phẩm Vinh Gia phản hồi bằng thông cáo báo chí. Trong đó, đơn vị này khẳng định "thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR C là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Sản phẩm đã được công bố tại Cục An toàn thực phẩm với công dụng "hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh do virus, do sức đề kháng kém gây ra".

Thông tin trên báo chí, theo đại diện công ty này, sản phẩm tuân thủ mọi quy định của pháp luật về công bố và lưu hành sản phẩm. Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR C dù đã được cấp số công bố từ ngày 29/6/2021, nhưng vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, đến nay Công ty CP Dược phẩm Vinh Gia chưa tiến hành truyền thông quảng cáo cho sản phẩm này trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào.

Sản phẩm cũng chưa được bán tại các nhà thuốc, do vậy những tin đồn thất thiệt cho rằng Công ty CP Dược phẩm Vinh Gia cố tình khiến người dân hiểu nhầm thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR C là thuốc VIPDERVIR là hoàn toàn không đúng.

Sản phẩm thực phẩm chức năng có thiết kế nhãn hiệu tương tự với tên gọi VIPDERVIR C khiến nhiều người cho rằng sự trùng hợp này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi lựa chọn 2 sản phẩm này. Ảnh: MXH.

Sản phẩm thực phẩm chức năng có thiết kế nhãn hiệu tương tự với tên gọi VIPDERVIR C khiến nhiều người cho rằng sự trùng hợp này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi lựa chọn 2 sản phẩm này. Ảnh: MXH.

Chưa nên gọi là thuốc điều trị Covid-19 khi mới hoàn thiện thử nghiệm tiền lâm sàng

Còn trước những ý kiến trái chiều của dư luận về việc gọi sản phẩm VIPDERVIR điều trị Covid-19 là thuốc, bác sĩ Vũ Quốc Đạt – giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, trường Đại học Y Hà Nội thông tin trên Báo Kinh tế và Đô Thị, cho biết, theo Thông tư Quy định về thử thuốc trên lâm sàng, sản phẩm đang trong giai đoạn nghiên cứu mà chưa được chấp thuận lưu hành hay bán dưới dạng sản phẩm, được gọi là sản phẩm nghiên cứu hoặc thuốc nghiên cứu.

Điều này sẽ giúp cho người đọc cũng như cộng đồng hiểu được bối cảnh mà sản phẩm này đang được nhắc, ví dụ trong các thử nghiệm lâm sàng.

Trong các nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng, các thuốc nghiên cứu thường được gọi tên dược chất hoặc tên/ký hiệu sản phẩm nghiên cứu. Việc này sẽ giúp cho các nhà chuyên môn có được thông tin rõ ràng, dễ tra cứu, kiểm chứng và so sánh với các nghiên cứu khác đang được triển khai.

Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về các thuốc điều trị Covid-19, trong đó bao gồm cả Favipiravir, là dược chất của sản phẩm VIPDERVIR.

Thông tin trên báo chí, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay, theo công bố của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, VIPDERVIR mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu Invitro, nghĩa là nghiên cứu trong ống nghiệm, trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu ngoài cơ thể con người.

Do VIPDERVIR chiết xuất từ 28 thảo dược quen thuộc, nên quá trình thử nghiệm lâm sàng có thể bỏ qua giai đoạn 1 (không cần đánh giá tính an toàn trên người tình nguyện). Giai đoạn 2, sẽ là thử nghiệm đánh giá khả năng giảm tải lượng virus của thuốc, kết hợp thêm đánh giá tính an toàn, từ đó chọn liều tối ưu.

Giai đoạn 3, các nhà nghiên cứu sẽ chọn cỡ mẫu bệnh nhân lớn chia thành hai nhóm, nhóm chứng chỉ điều trị phác đồ nền, nhóm nghiên cứu có điều trị phác đồ nền kèm theo thuốc. Kết thúc nghiên cứu, các chuyên gia sẽ so sánh tải lượng virus theo thời gian ở hai nhóm, các kết quả lâm sàng khác.

Để biết VIPDERVIR có tác dụng điều trị Covid-19 thật hay không, chúng ta sẽ phải chờ ít nhất 4 - 6 tháng nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ