Rễ sen

GD&TĐ - Thơ đã đem lại những giá trị nhân văn bất chấp đề tài miễn tác giả thực sự có óc quan sát và tư duy tinh tế.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Úp đời vào nước

Chắt từ đen thẳm

Lọc bã gạn bùn thành dưỡng chất

nuôi cây

Nõn nà dồn ngó

Dịu mát hạt xanh

Hồng thơm hoa hưởng

Dễ chỉ còn cạn vết chân chim mùa

hạn hán

Khi tất cả đi theo người hái

Rễ quắt khô cạn nắng

Vùi đầm tàn thân

Ngậm ngùi cầm trên tay đoạn rễ cằn

Lòng tôi nghẹn đắng

Cả đời dâng đến kiệt cùng xơ xác

Mẹ ơi!

                                     Vũ Tuyết Nhung

Lời bình của Đặng Toán

Nói đến sen, thường ta hay nhớ ngay tới hình ảnh của những cánh hoa màu hồng hoặc trắng tinh khiết mịn màng, những đài nhụy thắm vàng tươi tắn hay là những chiếc lá xanh mướt, bồng bềnh đua đưa trong gió. Vũ Tuyết Nhung lại khác.

Chị quan tâm đến bộ phận có vẻ ngoài đen đúa, thô ráp thậm chí còn rất xấu xí nữa của cây sen. Đó là cái rễ sen. Bộ phận thô ráp đó oái oăm thay lại là phần quyết định cho sự sống còn của cây sen, bởi nó đã ngày đêm cần mẫn “chắt từ đen thẳm/ Lọc bã gạn bùn thành dưỡng chất” để sen có được cái nõn nà của ngó, cái mát xanh của hạt, cái thơm hồng của sắc hoa.

Đến đây, người đọc có lẽ cũng đã đoán ra được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm: Cuộc sống luôn có những điều tưởng trớ trêu, có những thứ mà đôi khi ta không quan tâm, thậm chí xem thường song nó lại chính là cội nguồn của sự sống. Nhờ đó mà ta mới được sở hữu và phô diễn những gì đẹp đẽ trước cuộc đời này.

Có thể ai đó chợt giật mình thảng thốt. Cái điều ngỡ hiển nhiên ấy sao ta lại không nhận ra? Bởi vô tâm hay bởi ta quá đề cao những hào nhoáng bên ngoài mà quên mất cái giá trị cốt lõi làm nên bao điều tốt đẹp, ý nghĩa của cuộc sống? 

Bài thơ bốn khổ thì gần như toàn bộ dành để tả về sen, nghĩ về sen, chỉ duy nhất dòng cuối của khổ kết thể hiện cho tâm trạng, cảm xúc của tác giả với hai chữ “mẹ ơi” cùng dấu cảm thán. Chữ mẹ duy nhất trong bài ngỡ lạc lõng nhưng thực ra nó đã nằm trong ý đồ của tác giả.

Không thể kìm nén, không thể dối lòng mình thêm được nữa, mà phải thốt lên thành lời mới phần nào tạ lỗi trước “rễ sen khô quắt tàn thân” và cũng chính là hiện thân của bao người mẹ tần tảo, già nua đã đêm ngày nuôi nấng, chăm sóc cho ta đến “kiệt cùng xơ xác”.

Ví rễ sen với mẹ là lối ví von nghe có vẻ hơi khiên cưỡng song lại khá độc đáo. Và người đọc bị thuyết phục bởi cách lí giải hợp tình hợp lí cùng sự chọn lựa hình ảnh vừa chân thực vừa biểu cảm và có tính sáng tạo của tác giả.

Nếu thử thay chữ “mẹ” ở cuối bài bằng chữ “sen” thì có thể bài thơ sẽ là một khối thống nhất từ nhan đề cho tới cấu tứ, chặt chẽ và logic. Nhưng như vậy tác phẩm mới chỉ đạt ở mức tròn trịa chứ chưa thực sự gây được ấn tượng và ám ảnh đối với độc giả như cách mà Vũ Tuyết Nhung đã làm. Và đó là thành công của chị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.