Ranh giới đỏ của phương Tây trong cấp vũ khí cho Ukraine

GD&TĐ - Phương Tây sẽ không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí bị cấm trên thế giới như bom chùm hay bom cháy có chứa phốt pho.

Ranh giới đỏ của phương Tây trong cấp vũ khí cho Ukraine

Kể từ mùa thu năm 2022, sau khi nhận các Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) M142 của Mỹ, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã mở các cuộc tấn công vào phía sau những vùng Nga đang kiểm soát ở Ukraine, trong đó có cả những mục tiêu chiến lược như cầu Crimea.

Để đáp trả, Nga bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công tên lửa ồ ạt nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine từ ngày 10/10/2022, hai ngày sau vụ tấn công cầu Crimea.

Tuy nhiên, thực sự Nga đã bắt đầu tấn công tên lửa vào Ukraine là từ trước đó khoảng một tháng, vào ngày 11/9.

Mục tiêu tấn công của Nga là các cơ sở năng lượng, các cơ sở công nghiệp quốc phòng, đầu mối chỉ huy quân sự, căn cứ lính đánh thuê nước ngoài và các trạm thông tin liên lạc trên khắp lãnh thổ Ukraine.

Kể từ đó, các cuộc tấn công của hai bên đã dần leo thang về cấp độ, Ukraine không chỉ giới hạn trong các mục tiêu Nga ở tiền tuyến, mà còn tiến hành hàng loạt vụ tấn công vào sâu trong phần lãnh thổ Nga đang kiểm soát, thậm chí là có vụ đã dùng UAV hạng nặng tấn công một số mục tiêu ở giáp biên giới.

Nga cáo buộc hành động của lực lượng vũ trang Ukraine đã nhận được sự chỉ điểm mục tiêu và dẫn đường của cả vệ tinh quân sự và dân sự Mỹ.

Giới chức Nga cho rằng, với đà leo thang của cuộc chiến và cấp độ mạnh bạo dần lên của phương Tây trong việc cung cấp những vũ khí hiện đại, Ukraine sẽ sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ, NATO để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã nhiều lần tuyên bố không cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga và phủ nhận việc các vệ tinh của nước này đã xác định tọa độ mục tiêu cho Quân đội Ukraine đánh vào Nga.

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 21/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố về “ranh giới đỏ” trong việc cung cấp vũ khí phương Tây cho Quân đội Ukraine.

Ông Boris Pistorius lưu ý rằng, trước khi cung cấp cho Kiev, phương Tây nên tính đến bối cảnh “cuộc chiến đang được tiến hành như thế nào” và sự phù hợp của các loại vũ khí được yêu cầu.

Vị quan chức Đức nêu rõ, nếu Ukraine yêu cầu một số loại bom bị cấm trên toàn thế giới, ví dụ như bom chùm hay bom, đạn gây cháy có chứa phốt pho, thì chắc chắn là Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ không đáp ứng điều đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ