Các nhà khoa học từ Đại học Tufts (Mỹ) đã tạo ra loại cảm biến tí hon giúp định lượng dinh dưỡng và các hóa chất trong thực phẩm bạn ăn vào.
Cảm biến này khi gắn trên răng sẽ đo được lượng muối, cồn và glucose đã theo miệng bạn vào đường tiêu hóa.
Nguyên lý hoạt động của cảm biến này tương tự trạm thu phí đường bộ tự động và sau đó các thông tin được truyền dưới dạng tín hiệu không dây tới thiết bị nhận.
Lõi của cảm biến có thể thay thế được bằng nhiều loại để đo được nhiều chất dinh dưỡng và hóa chất khác nhau.
Với cảm biến này gắn trên răng kết nối với smartphone, bạn hoàn toàn có thể biết được cơ thể mình đã dung nạp bao nhiêu loại chất dinh dưỡng, uống có quá nhiều rượu hay không, và thậm chí cả dư lượng hóa chất thông qua đồ ăn xâm nhập vào cơ thể bạn ở mức bao nhiêu?
Có nhiều loại thiết bị theo dõi chế độ ăn đã được sáng chế ra trước đây, tuy nhiên chúng khá cồng kềnh hoặc dễ bị phân hủy trong môi trường tiêu hóa.
Nhưng loại cảm biến gắn răng này chỉ có kích thước 2mm x 2mm, gắn vào răng dễ dàng và truyền thông tin đến thiết bị nhận qua sóng vô tuyến.
Cấu tạo của cảm biến gồm 3 lớp: 2 lớp vàng hình vuông kẹp lớp vật liệu sinh học phản ứng. Lớp phản ứng ở giữa này hấp thụ và phát hiện các chất có trong thực phẩm rồi phối hợp với 2 lớp kia để truyền thông tin đi.
Khi bạn ăn uống, một sóng vô tuyến được phát ra đi vào miệng và chạm tới cảm biến, bị tiêu biến một phần còn một phần bị dội ngược lại.
Các chất dinh dưỡng và hóa chất khác nhau sẽ khiến cảm biến truyền đi dải sóng vô tuyến với các cường độ khác nhau, từ đó đo lường và phát hiện loại chất dinh dưỡng.
Loại cảm biến trên răng này được kì vọng sẽ cung cấp nhiều dữ liệu quý giá để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe cũng như nghiên cứu lâm sàng.