Rạn vỡ niềm tin

GD&TĐ - Tôi lặng người, không thể ngăn nổi nước mắt khi xem thước phim của đồng nghiệp trong phóng sự điều tra về một trung tâm dạy trẻ tự kỷ có tiếng ở Bắc Ninh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong phóng sự này, những đứa trẻ đáng lẽ phải được giáo dục với nhiều yêu thương nhất thì lại bị ngược đãi. Để có thể trở thành những “kỷ lục gia”, có em bị đánh đập, em bị giáo viên lớn tiếng dọa nạt, một số em còn chẳng mặc quần… giữa môi trường học vô cùng nghèo nàn và mất vệ sinh. Các ông bố, bà mẹ bỏ ra trên chục triệu mỗi tháng, có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nổi, số tiền không nhỏ ấy được đổi lại bằng việc đối xử khủng khiếp như vậy với con mình.

Có lẽ, chỉ người trong cuộc mới có thể thấu hiểu hết sự sợ hãi, nỗi tuyệt vọng của những ông bố, bà mẹ khi có con tự kỷ. Trong đó bao giờ cũng có một hành trình khốn khổ để tìm kiếm nơi họ có thể gửi gắm niềm hy vọng mãnh liệt, giúp con trở thành một đứa trẻ bình thường.

Tôi cũng từng có một thời gian khá dài trải qua hành trình ấy. Đọc mọi thứ có thể đọc, nghe mọi người có thể nghe, đi đến mọi nơi có thể đến, để tìm kiếm một “phương thuốc” thần kỳ giúp con mình; có thể bớt đến cả nhu cầu tối thiểu để dành tiền nếu tìm được chỗ được cho là tin cậy…

Và tôi đã ám ảnh mãi, hình ảnh đứa con bé bỏng mồ hôi bết bát, mặt nhòe nhoẹt cả nước mắt và nước mũi, ngồi khóc nấc, chông chênh trên khoảng chục tấm đệm chồng lên cao. Đó là nơi một nhân viên đảm nhiệm vai trò dạy trong trung tâm “ưu ái” dành cho con với mệnh lệnh “ngồi im” để không bị làm phiền vì con nghịch. Vô tình chứng kiến cảnh đó, tôi đã ngay lập tức bế con về với niềm tin vỡ vụn. Có biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ cũng rơi vào tình cảnh ấy, trải qua cảm xúc đau đớn ấy, như tôi, như những người tin tưởng gửi con vào trung tâm có tiếng tăm trong phóng sự trên kia?...

Trong một tọa đàm tổ chức năm 2018, con số 200.000 người mắc chứng tự kỷ tại Việt Nam (tính đến cuối năm 2018) được đưa ra theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐ,TB&XH. Con số thực tế chắc chắn còn lớn hơn thế. Đặc biệt đáng lo ngại là sự gia tăng nhanh chóng chứng tự kỷ ở trẻ em. Minh chứng là năm 2007, số trẻ mắc tự kỷ tăng gấp 50 lần so với năm 2000...

Số lượng trẻ không nhỏ bị tự kỷ này, các em được thụ hưởng chính sách y tế, giáo dục như thế nào, trong khi trên thực tế, nhận thức từ gia đình, đến nhà trường, rồi cả cộng đồng về trẻ tự kỷ vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học? Khi còn sự kỳ thị và các em vẫn quá thiếu điều kiện để hòa nhập? Khi các cơ sở chuyên biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ còn quá ít và chỉ tập trung ở thành phố lớn, chưa nói đến chất lượng của các trung tâm này còn là vấn đề đáng bàn?

Nhiều gia đình có con bị tự kỷ, sau hành trình tìm hy vọng từ những người bên ngoài đã nghiệm ra rằng, không ai giúp con mình tốt bằng chính họ. Thế nhưng thực tế, chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều nếu thay vì những người làm cha mẹ tự mò mẫm gánh vác một công việc khó quá sức mình, họ được hỗ trợ từ những người có chuyên môn, được đào tạo bài bản.Có điều, đây vẫn là mong mỏi xa vời, nhất là khi vẫn còn những người lợi dụng sự khốn khổ của người khác để trục lợi.

Mong rằng, những người có ý định làm nghề gắn bó với một đối tượng đặc biệt như thế này, hãy chỉ làm nếu thấy mình có đủ kiến thức, sự kiên trì, đủ lương tâm và trách nhiệm. Bên cạnh chính sách cho trẻ tự kỷ, cũng mong có sự kiểm soát chặt chẽ hơn của các cơ quan chức năng đối với những trung tâm giáo dục chuyên biệt, để những người có con bị tự kỷ không bị mất đi niềm tin, niềm hy vọng vốn đã rất mong manh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ