Giáo viên dạy trẻ tự kỷ - họ là những thầy cô không đứng trên bục giảng cũng chưa từng biết đến nghỉ hè. Họ là những người gắn bó, đồng hành với học trò của mình có khi tới 10 năm trời và hơn thế. Họ cũng là những thầy cô phải xây dựng cho mỗi học sinh một giáo án riêng. Ở nghề của họ, có nhiều điều đặc biệt!
Từ cú sốc, những phen hú vía…
Dù lựa chọn từ đầu hay cơ duyên đưa đẩy đến với nghề nhưng không ít giáo viên đều bị sốc trong những ngày đầu tiên vào nghề.
Cô giáo Trịnh Thị Huế - giáo viên thuộc Phòng thực nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt thuộc Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD&ĐT - đã có 10 năm dạy trẻ tự kỷ nhưng có lẽ cô sẽ không bao giờ quên được cái tát bất ngờ đến ù tài của học sinh đối với mình.
"Khi cô trò đang ngồi cùng nhau trong giờ học, đột nhiên, con tát mạnh vào mặt tôi. Tôi rất sốc! Vì quá đau và bất ngờ nên tôi đã khóc luôn tại chỗ" - cô Huế nhớ lại - "Khi đó có thể hình ảnh cô trong mắt con rất méo mó và đáng sợ nên con đã hành động như vậy. Con cũng không kiểm soát được lực tay của mình".
Tuy nhiên, sau này, những chuyện con đánh, cào cấu hay cắn cô là chuyện không có gì lạ với cô Huế cũng như những giáo viên khác. Và những "tai nạn" như thế không thể làm các cô nản lòng. Ngược lại, cô luôn thấy phải làm cách nào để hiểu trẻ, tìm lý do tại sao con lại làm như vậy để can thiệp cho trẻ.
Cô Trịnh Thị Huế trong giờ học cùng học trò của mình.
Ngoài dạy học ở lớp, giáo viên còn như bố mẹ đồng hành, hỗ trợ con trong nhiều hoạt động khác như tập xe, đá bóng, tập ăn… Bởi, các cô phải dành thời gian xây dựng mối quan hệ, tạo niềm tin với trẻ, từ đó mới áp dụng kỹ thuật tương tác chuyên sâu.
"Có lần cùng trẻ đi tập xe, đến gần khu vực có hồ nước, bé đột nhiên nhảy xuống hồ (vì bé rất thích nước). Cả cô và trò đều không biết bơi, may mắn người chú của bé đi cùng biết bơi nên nhảy xuống cứu" - cô Huế kể lại một phen "hú vía" khác trong những ngày đầu vào nghề.
… và sự ám ảnh trong nghề…
Tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành tâm lý lâm sàng trẻ em và thanh thiếu niên ở Pháp, chị Bùi Thị Lê (KĐT Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) có gần 20 năm gắn bó với nghề dạy trẻ tự kỷ. Với chị, ngoài những yếu tố cần có như kiến thức, được đào tạo bài bản, sự kiên trì, tình yêu nghề, yêu trẻ thì giáo viên dạy trẻ tự kỷ cần có sự thấu cảm.
Chị Lê không ngăn được những giọt nước mắt lăn dài trên má khi kể về câu chuyện ám ảnh chị những ngày này. Đó là trường hợp một bé gái đang học ở cơ sở của chị, bé bị mắc hội chứng tự kỷ bẩm sinh khá nặng. Mẹ của bé đã chạy chữa khoảng hơn 7 năm mới mang thai bé nhưng đó cũng là lúc phát hiện ra khối u trong buồng tử cung. Người mẹ đã quyết định không phẫu thuật luôn mà giữ lại thai vì rất khó khăn mới có thai được. Sau khi sinh bé xong, người mẹ được phẫu thuật. Chị vừa chiến đấu với căn bệnh ung thư, vừa đồng hành cùng con chữa tự kỷ.
"Người mẹ đó chỉ có một ao ước là sống được đến khi nhìn thấy con gái đeo cặp tới trường. Rất xót xa trước câu chuyện của chị, tôi đã dốc toàn bộ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình và bé gái đã nói được sau khoảng hơn nửa năm. Người mẹ rất vui mừng và khoảng 2 năm nay, bé tiến triển ngôn ngữ khá tốt. Tôi cũng cố gắng hết sức để sang năm bé có thể đi học được. Nhưng người mẹ đã không đợi được. Chị ấy mất cách đây hơn 1 tháng" - chị Lê kể lại trong sự xúc động - "Cái khóc thổn thức, uất nghẹn, bế tắc và tuyệt vọng của người mẹ trong cuộc điện thoại chị gọi cho tôi và câu nói "Chị không còn thời gian nữa" đã khiến tôi ám ảnh và vô cùng xót xa".
Lớp can thiệp trẻ tự kỷ do ThS Bùi Thị Lê quản lý và tham gia dạy.
… đến những giọt nước mắt hạnh phúc
Một trong những yếu tố phải có ở giáo viên dạy trẻ tự kỷ là tình yêu trẻ, bởi giáo viên có giỏi đến mấy nhưng không có tình yêu hoặc làm việc miễn cưỡng thì cũng không đạt được kết quả.
TS. Đỗ Thị Thảo - Trưởng bộ môn Giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, chăm sóc, giáo dục trẻ rối loạn phổ tự kỷ không đơn giản như các trẻ em khác, vì đa số các trẻ đều gặp nhiều khó khăn trong mọi lĩnh vực phát triển như ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ... Vì vậy, chỉ có lòng yêu nghề, say mê với nghề mới giúp giáo viên theo đuổi nghề nghiệp đến cùng. Và tình yêu nghề phải được xuất phát từ tình yêu trẻ.
Đúng vậy, cô giáo trẻ Trần Thị Giang - Phòng thực nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt thuộc Viện Khoa học Giáo dục cho biết, nhiều người cho rằng trẻ tự kỷ sẽ không làm được gì nhưng nếu yêu trẻ, tiếp xúc, gần gũi và hiểu trẻ, tinh tế quan sát thì sẽ thấy các bạn ấy cũng có những điểm mạnh và có thể làm được những điều tuyệt vời. Đã có lần cô Giang và mẹ học sinh của mình từng ôm nhau khóc vì hạnh phúc khi bé biết "bai bai".
Niềm mong mỏi lớn nhất của cô Giang là nhìn thấy học sinh của mình có thể tốt nghiệp để tham gia học hòa nhập như bao bạn bè khác.
Gần 20 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, chị Bùi Thị Lê vẫn còn nguyên cảm xúc hạnh phúc vô bờ khi một trẻ tự kỷ chị gắn bó hơn 10 năm đã lần đầu tiên nắm tay và gọi tên chị.
"Đó là một trường hợp trẻ tự kỷ chức năng cao. Bé có khả năng tiếng Anh khá tốt nhưng rất thu mình, không tương tác. Khi bé lớn, tôi đã dành thời gian nói chuyện với con nhiều hơn. Một lần, sau khi tâm sự xong, lần đầu tiên con đã ngẩng lên nhìn tôi với ánh mắt long lanh. Con nhẹ nhàng cầm tay tôi, cũng là lần đầu tiên con gọi tên tôi Lê friend. Tôi đã thực sự hạnh phúc và cảm nhận được sự đặc biệt trong cả cách cầm tay của con" - chị Lê nhớ lại.
Còn với cô Trịnh Thị Huế, 10 năm trong nghề, cô đã có những học trò thân thiết như người trong nhà. Đó là một bé trai mà cô can thiệp từ khi bé mới 4 tuổi, đến nay, bé đã 14 tuổi và cô vẫn hỗ trợ. Mỗi thay đổi, tiến bộ nhỏ của bé cũng khiến cô mừng rơi nước mắt. Bé từng không biết ăn rau mà chỉ thích ăn mỳ tôm nên cô đã nạo nhỏ củ quả thành từng sợi nhỏ như mỳ tôm để tập cho bé ăn. "Có khi đếm 1 - 2 sợi bé ăn được hôm nay, rồi đếm từng sợi bé ăn được ngày mai mà hạnh phúc vô cùng", cô Huế chia sẻ.
Nhóm trẻ tự kỷ ở lớp chuyên biệt đang cho cá ăn trong một chuyến dã ngoại.
Cô Hoàng Thị Huyền, giáo viên dạy trẻ tự kỷ ở lớp chuyên biệt trong một trường quốc tế tại Hà Nội, có lẽ cũng không bao giờ quên cảm giác tuyệt vời khi can thiệp giúp bé có thể nói được. "Trẻ đầu tiên mình can thiệp là một bé gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ. Vì không nói ra được, không biết cách thể hiện cảm xúc nên bé rất dễ cáu giận và thể hiện bằng những hành vi như đấm đá, la hét, nhả dãi, tự xé quần áo, cào cấu, gào khóc... Sau khi quan sát, đánh giá tình trạng của bé, mình đã áp dụng phương pháp can thiệp cho bé và thành công. Đó là một cảm giác vô cùng tuyệt vời và hạnh phúc", cô Huyền kể lại.
Dù có áp lực hay từng chán nản nhưng chỉ một sự tiến bộ nhỏ của trẻ cũng khiến tất cả mệt mỏi của thầy cô tan biến. Với tình yêu nghề, yêu trẻ và sự kiên trì, các thầy cô đã mang tới nhiều điều tốt đẹp và tương lai tươi sáng hơn cho trẻ tự kỷ. Mong mỏi nhất của họ là nhận được sự phối hợp, đồng hành từ phía gia đình. Có như vậy, trẻ sẽ nhanh tiến bộ hơn. Hơn thế, các cô cũng hy vọng mọi người không còn cái nhìn kỳ thị hay tẩy chay trẻ tự kỷ, bởi điều đó sẽ giết chết tương lai của các con.
Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích - Loại hình báo Điện tử