Rầm rộ xích lô ở TP Huế 'đội lốt' xe điện

GD&TĐ - Thời gian gần đây, nhiều xích lô 'đội lốt' xe điện tại TP Huế để chở khách và hàng hóa dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông trên địa bàn.

Lực lượng chức năng kiểm tra các xe xích lô 'đội lốt' xe điện trên địa bàn TP Huế.
Lực lượng chức năng kiểm tra các xe xích lô 'đội lốt' xe điện trên địa bàn TP Huế.

Trong những năm gần đây, một số xe xích lô đã được "đội lốt" xe điện nhằm giúp cho chủ xe không phải tốn nhiều công sức khi vận hành, việc chở khách và hàng hóa sẽ nhanh hơn, từ đó xích lô xuất hiện thêm tên gọi mới là xích lô điện. Tuy nhiên, khi chạy với tốc độ cao, nếu không làm chủ tốc độ có thể gây tai nạn giao thông.

Xích lô là một phương tiện phổ biến tại Huế (Ảnh: Hoàng Hải).

Xích lô là một phương tiện phổ biến tại Huế (Ảnh: Hoàng Hải).

Theo anh M. là chủ một cửa hàng bán xe đạp điện tại TP Huế cho biết, việc gắn thêm động cơ điện trên xe xích lô có khoảng vài năm trở lại đây, tốc độ cũng ngang bằng xe đạp điện, nếu chạy với tốc độ cao thì rất dễ gây tai nạn giao thông.

“Tôi thấy nhiều xích lô truyền thống gắn thêm bình điện để chở khách, du khách thì ngồi trên xe để ngắm cảnh hay khám phá đường phố, nhiều lúc giờ cao điểm thấy họ chạy rất nhanh. Điều này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nếu lỡ phanh gấp thì rất dễ bị lật xe, nguy hiểm cho chủ xe và du khách", anh M chia sẻ.

Theo tìm hiểu của PV, nhiều người đã tìm cách "độ" xích lô điện để duy trì việc mưu sinh, lại giữ được sức khoẻ, nhất là người lớn tuổi. Giá để lắp động cơ điện cho mỗi chiếc dao động từ 4 triệu đến 10 triệu đồng tùy vào từng loại khác nhau.

Các bình ắc quy điện được gắn trên xích lô (Ảnh cắt từ video do Công an cung cấp).
Các bình ắc quy điện được gắn trên xích lô (Ảnh cắt từ video do Công an cung cấp).

Anh D. là người dân sinh sống ở khu vực Bến thuyền du lịch Tòa Khâm (phường Phú Hội, TP Huế) cho biết: "Tôi thường xuyên thấy các xe xích lô điện chở khách tại đây. Họ chở du khách chạy rất nhanh, thậm chí có nhiều xe còn vượt đèn đỏ. Thực sự rất nguy hiểm nếu xảy ra va chạm. Cần có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này để giảm nguy cơ tai nạn giao thông".

Với việc nhiều xích lô "đội lốt" xe điện xuất hiện, thời gian qua, Công an TP Huế đã tiến hành kiểm tra và buộc các chủ phương tiện tự động tháo gỡ động cơ gắn trên xích lô.

Hàng loạt xích lô "đội lốt" xe điện bị lực lượng công an kiểm tra, yêu cầu tháo dỡ (Ảnh cắt từ video do Công an cung cấp).
Hàng loạt xích lô "đội lốt" xe điện bị lực lượng công an kiểm tra, yêu cầu tháo dỡ (Ảnh cắt từ video do Công an cung cấp).

Theo thống kê của Công an TP Huế, hiện trên địa bàn TP có 162 xe xích lô điện hoạt động dịch vụ chở khách du lịch, vận chuyển hàng hóa khi tham gia giao thông. Loại xe này có thể chạy lên đến 50 km/h nhưng hiện chưa được một cơ quan chức năng nào kiểm định về kỹ thuật hoặc cấp phép về tính năng an toàn, việc điều khiển phương tiện thô sơ với vận tốc cao có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông.

Do đó, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đảm bảo an toàn cho du khách cũng như người điều khiển, Công an TP Huế cùng Công an các phường, xã trên địa bàn đã yêu cầu chủ phương tiện xích lô tháo gỡ bình điện để đưa phương tiện trở lại hiện trạng xe xích lô truyền thống.

Công an TP Huế cũng thông tin, trong thời gian qua, đơn vị phối hợp với Liên đoàn lao động thành phố, nghiệp đoàn xích lô tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông, nghiêm cấm việc lắp đặt động cơ điện vào xe xích lô đạp cho hơn 180 lái xe xích lô. Từ đầu tháng 2 đến nay, các lực lượng chức năng buộc 134 chủ phương tiện xích lô điện tự tháo gỡ bình điện và cam đoan, cam kết không gắn động cơ điện.

Lực lượng chức năng buộc 134 xích lô "đội lốt" xe điện tháo gỡ bình điện và cam kết không gắn động cơ điện (Ảnh cắt từ video do Công an cung cấp).
Lực lượng chức năng buộc 134 xích lô "đội lốt" xe điện tháo gỡ bình điện và cam kết không gắn động cơ điện (Ảnh cắt từ video do Công an cung cấp).

Đại úy Lê Tự Hiếu, Phó Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an TP Huế cho biết, để quản lý, giám sát hoạt động của xích lô điện, trong thời gian qua đơn vị thực hiện khảo sát, lập danh sách đối với tất cả người và phương tiện.

Lực lượng chức năng cũng tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật giao thông đường bộ, các quy tắc tham gia giao thông với các tài xế xích lô. Bên cạnh đó, vận động các chủ phương tiện tháo các động cơ điện không đảm bảo an toàn. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, sẽ có biện pháp để xử lý nghiêm.

Theo khoản 19, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự”.

Ngoài ra, căn cứ tại khoản 3, Điều 4, Quyết định số 01/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành quy định về Quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hoá trên địa bàn tỉnh cũng có quy định cấm hành vi “Thay đổi hệ thống truyền lực, truyền động của xe thô sơ hai, ba bánh”.

Hàng trăm xích lô điện bị buộc tháo gỡ bình điện (Video do CACC).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.