Quy hoạch đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn năm 2065

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã công bố quy hoạch tỉnh đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Hội thảo Quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn năm 2065. (Ảnh: Hoàng Hải).
Hội thảo Quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn năm 2065. (Ảnh: Hoàng Hải).

Chiều ngày 1/4, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Toàn cảnh Hội thảo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Toàn cảnh Hội thảo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Tầm nhìn chiến lược đến năm 2065

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các bước phân loại đô thị và thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời là cơ sở để tiến hành lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư hạ tầng khung, hướng đến xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại khai mạc Hội thảo.

“Đây là hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng để hoàn thiện định hướng không gian phát triển đô thị, xây dựng các phương án quy hoạch phù hợp để phát triển đô thị theo đúng định hướng Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, hội thảo rất mong muốn nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến các địa phương lân cận, của các đồng chí lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, ý kiến chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức lập quy hoạch, để sau hội thảo này, tỉnh Thừa Thiên - Huế có thể hoàn thiện đồ án quy hoạch đảm bảo tính khoa học, chất lượng, có tính đột phá và khả thi cao trong tổ chức thực hiện” – Ông Phương nhấn mạnh.

Theo đó, tầm nhìn chiến lược của tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Ông Bạch Chơn Đông - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ông Bạch Chơn Đông - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao và đến năm 2045 sẽ là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Với tầm nhìn đến 2065, Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương quan trọng trong hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển đặc sắc về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ đẳng cấp Châu Á và hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật của thế giới về di sản văn hóa, xanh, thông minh, an toàn, đáng sống.

Về tính chất chức năng, Thừa Thiên - Huế sẽ là đô thị loại I hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương có tiêu chí đặc thù. Là đô thị tăng trưởng của vùng Kinh tế trọng điểm Trung Bộ về kinh tế biển, du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế đa ngành chất lượng cao; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Ông Nguyễn Đại Viên – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trình bày tham luận Dự kiến phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Ông Nguyễn Đại Viên – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trình bày tham luận Dự kiến phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

5 chiến lược phát triển tầm nhìn đô thị

Tại Hội thảo cũng đã đưa ra các chiến lược phát triển đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 gồm 5 chiến lược.

Chiến lược 1: Đẩy mạnh kết nối giao thông liên kết vùng, nội vùng. Xây dựng tuyến đường tốc độ cao kết nối đường cao tốc tại nút giao La Sơn tới khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và ra cảng Chân Mây. Xây dựng tuyến tỉnh lộ 71 kết nối Phong Điền với Hồng Vân và khu vực phía Bắc; tuyến tỉnh lộ 74 kết nối Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô với Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt và khu vực phía Nam trong đó có thị trấn Khe Tre...

Chiến lược 2: Sắp xếp, tổ chức không gian, nâng cấp đô thị và tái cấu trúc lãnh thổ. Phát triển trọng tâm vùng đô thị trung tâm (TP Huế mở rộng), khu vực trung tâm của Phong Điền và khu vực Chân Mây– Lăng Cô, trở thành 03 khu vực động lực, phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị, tăng tỷ lệ đô thị hóa cho toàn đô thị...

Chiến lược 3: Tập trung phát triển hạ tầng cho các khu vực chức năng động lực phát triển kinh tế. Phát triển hạ tầng Cảng Chân Mây, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài; Phát triển khung hạ tầng giao thông vùng kết nối với các khu vực sản xuất công nghiệp tập trung tại Phong Điền, Phú Bài, La Sơn; Xây dựng các công trình cấp vùng và quốc gia làm động lực, phát triển 04 trung tâm: Văn hóa - du lịch đặc sắc; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học công nghệ và trung tâm giáo dục.

Chiến lược 4: Hình thành không gian xanh và hệ thống thoát nước, phát triển nhà ở sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu. Cho phép phát triển mô hình nhà ở sinh thái, những “biệt thự vườn” gắn với hệ thống thoát nước, giữ truyền thống sinh hoạt văn hóa, gần gũi thiên nhiên.

Nạo vét khơi thông dòng chảy thoát lũ sông Hương, sông Phổ Lợi, sông Như Ý 1 và 2, sông An Cựu, sông Lợi Nông, sông Vực, nhằm thoát nước nhanh cho khu vực đô thị trung tâm; Đối với khu vực Quảng Điền, Hương Trà sẽ tính toán hệ thống kênh thoát nước sông Bồ, sông Hương thoát về cửa biển nhằm cắt lũ cho vùng hạ du giảm thời gian ngập lũ.

Chiến lược 5: Hình thành khu vực phát triển mới về phía Tây tạo sự kết nối của hành lang kinh tế Đông Tây và quỹ đất dự trữ cho dài hạn. Phát triển đường vành đai 3 kết nối nhanh với các khu chức năng và các trung tâm đô thị khác, khu vực phía Tây trở thành khu vực tiềm năng phát triển đô thị sinh thái núi và các khu chức năng mới trong tương lai.

Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương nên lấy Kinh thành Huế làm trung tâm; về liên kết vùng, liên kết kinh tế biển, ông Chính cho rằng cần phát triển đô thị biển, trong đó địa bàn huyện Phú Vang rất quan trọng vì đây là nơi giáp biển nên cần kết nối với đô thị Huế.

Để trở thành đô thị toàn cầu sẽ có 3 cửa khẩu quan trọng gồm: sân bay, cảng, đất liền. Cần chú ý phát triển sân bay Phú Bài, đây là một lợi thế của tỉnh. Ông Chính cũng cho rằng, cần có quy hoạch về nghĩa trang cụ thể khu vực Hương Thủy và Phú Vang – đây là nơi có nhiều đầm phá để phát triển.

Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao đổi tại Hội thảo về phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế thành đô thị loại I Trung ương.

Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao đổi tại Hội thảo về phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế thành đô thị loại I Trung ương.

Ông Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng đưa ra nhiều ý kiến về phát triển đô thị Thừa Thiên – Huế, trong đó khu vực Chân Mây – Lăng Cô là khu kinh tế tiềm năng gồm biển, cảng, đây được xem là khu kinh tế hiện đại, vì vậy cần tập trung phát triển ở khu vực này.

Ông Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày ý kiến tại Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hải).

Ông Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày ý kiến tại Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hải).

Việc lập Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là cần thiết, cấp bách, phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đây là nền tảng quan trọng để cụ thể hóa các định hướng chính sách của tỉnh, cũng như của địa phương vào quy hoạch đô thị ở cả các cấp. Đồng thời cũng là cơ sở cho công tác quản lý phát triển đô thị, chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, phát triển đô thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.