Rác thải điện tử có thể được tái chế, song do chi phí quá cao, chính vì vậy mà chỉ 30% trong này được tái chế. Vậy số còn lại sẽ ra sao? Chúng sẽ bị đổ bất hợp pháp tại các quốc gia kém phát triển.
Tại ngoại ô thủ đô Accra (Ghana), thị trấn Agbogbloshie trước kia từng là một làng chài nổi tiếng. Tuy nhiên cho đến tháng Ba năm nay, nơi đây đã trở thành bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới.
Hàng năm, “bãi rác kỹ thuật số” này đã đón nhận hàng triệu tấn rác thải điện tử chưa được xử lý từ các quốc gia đã phát triển như Mỹ, Anh, Đức…
Em Amor, 15 tuổi, cho biết: “Chúng em sẽ thu nhặt kim loại đồng bằng việc đốt cháy các sợi dây điện cũ hay từ chính những thiết bị điện tử kia”.
Quy trình xử lý rác thải tiết kiệm nhưng lại đơn sơ này cũng khiến người lao động dễ bị phơi nhiễm với chất độc nhất. Thế nhưng bé Amor mỗi ngày chỉ có thể kiếm được 2,5 USD, tương đương với 50.000 đồng từ công việc này… nếu may mắn.
Tại ngôi chợ lớn nhất Agbogbloshie, hàng ngày, rất nhiều người dân địa phương cũng như nhiều nơi khác đến đây trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, những sản phẩm, thức ăn tại đây đang bị phơi nhiễm với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Một người bán hàng cho biết: “Không khí ở đây ô nhiễm lắm, tôi bị đau đầu, khó thở và tức ngực thường xuyên. Tôi muốn chuyển đi lắm nhưng không được. Tất cả khách hàng của tôi đều ở đây”.
Cũng theo số liệu của liên hiệp quốc, càng ngày càng có nhiều người Ghana đã phải chịu đựng chứng mất ngủ mãn tính, vấn đề về phổi, đau đầu, hệ thống miễn dịch thấp hơn, chán ăn và buồn nôn.
Hơn nữa, người dân tại đây còn có tỷ lệ bị bệnh ung thư và chết ở độ tuổi 20 tăng cao do các hóa chất độc hại như chì, thủy ngân, cadmium, arsenic…bị rò rỉ từ rác thải điện tử.
Câu chuyện trên không chỉ xảy ra ở Ghana, dưới danh nghĩa nhập hàng second-hand hay rác tái chế, các nước nghèo từ lâu đã trở thành điểm đến phổ biến cho các loại rác điện tử độc hại từ những nước giàu hơn.
Thay vì được xử lý hay tái chế biến, đống rác nhập này chỉ được chôn trong các hố rác thông thường và các chất độc hại thoải mái thấm vào đất và nước, đầu độc những người dân nơi đây. Dự kiến, lượng rác thải điện tử sẽ tăng lên đến hơn 500 phần trăm chỉ trong thập kỷ tới tại những quốc gia đang phát triển.