Rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên

GD&TĐ - Nhằm kịp thời thực hiện chế độ chính sách, đồng thời nâng cao chất lượng và thu hút đội ngũ có trình độ cao tham gia giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), phát huy được tính năng động sáng tạo của viên chức, ngày 11/4/2019, tại Trường Đại học Hải Phòng, Bộ GD&ĐT tổ chức “Hội thảo rà soát, hoàn thiện góp ý dự thảo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên”.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo là một trong những hoạt động triển khai Chương trình công tác năm 2019 của Bộ GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo quy định mới” đối với nội dung liên quan đến giảng viên.

Tới dự phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo có TS. Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, đại biểu lãnh đạo và chuyên viên các Vụ: Tổ chức cán bộ, Giáo dục Đại học thuộc Bộ GD&ĐT và trên 150 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm khu vực phía Bắc.

TS. Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu khai mạc tại Hội thảo
 TS. Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hải Thập đã nhấn mạnh để việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và phù hợp với thực tiễn thì việc tham gia ý kiến của các cơ sở GDĐH là rất cần thiết để các văn bản khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, triển khai thực hiện Luật Viên chức 2010, Bộ GD&ĐT đã chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết các Nghị định hướng dẫn Luật Viên chức, trong đó có hệ thống các văn bản: Quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN; Hướng dẫn thực hiện bổ nhiệm và xếp lương CDNN; Quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi/ xét thăng hạng CDNN đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Đến nay, một số văn bản là căn cứ ban hành các quy định nêu trên đã được thay thế, sửa đổi bởi các quy định mới.
 
Trên cơ sở rà soát, đánh giá tình hình thực hiện tiêu chuẩn CDNN giảng viên, Hội thảo tập trung vào 2 nội dung chính: Báo cáo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên; đề xuất nội dung dự thảo tiêu chuẩn CDNN giảng viên theo quy định mới; Thảo luận góp ý dự thảo các văn bản quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN và xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở GDĐH và các trường Cao đẳng sư phạm công lập.

150 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học, trường Cao đẳng sư phạm khu vực phía Bắc tới dự Hội thảo
 150 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học, trường Cao đẳng sư phạm khu vực phía Bắc tới dự Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng nêu quan điểm: Trong những năm qua, đội ngũ giảng viên tại các cơ sở GDĐH trong cả nước đã có những bước phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, xu thế hội nhập và quốc tế hóa hiện nay đang đặt ra những chuẩn mực và những yêu cầu mới trong mọi phương diện của hoạt động giáo dục, đào tạo trong đó có vấn đề chuẩn nghề nghiệp đối với các lực lượng tham gia hoạt động giáo dục. Vì thế, chúng tôi nhận thức rằng Hội thảo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ chính các cơ sở GDĐH, cao đẳng nơi quản lý, sử dụng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên là hết sức cần thiết và sẽ cung cấp được những số liệu, những căn cứ thực tế xác đáng nhất, đảm bảo việc rà soát, điều chỉnh xây dựng và ban hành những quy định về chuẩn CDNN giảng viên phù hợp và có hiệu quả.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu còn được trao đổi một cách thẳng thắn những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn CDNN còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở, đồng thời có những ý kiến đóng góp quý báu để có thể thực hiện tốt trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ