Để giúp quý độc giả hiểu hơn về nội dung này, Báo GD&TĐ có loạt bài chuyên sâu về các nội dung liên quan, kính mời quý độc giả đón xem.
Khi giảng dạy các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, câu mà tôi luôn hỏi GV là: Việc đi thi thăng hạng với các thầy cô có bắt buộc hay không?
Ngày tốt nghiệp Ảnh: Minh họa |
Hiểu mù mờ
Một số ít GV trả lời chắc chắn là không bắt buộc, phần lớn GV trả lời là không rõ lắm vì hầu như không biết đích xác, chỉ nghe người này, người kia nói rằng có thấy cơ quan quản lý bắt đi thi thì đi. Trong khi một số ít khẳng định rất chắc chắn việc thăng hạng là bắt buộc, không đi không được.
Câu trả lời của GV luôn làm tôi suy nghĩ. Vì hình như, GV ít quan tâm tới luật, cho nên ngay cả những quy định sát sườn, các thầy cô cũng không biết hoặc biết một cách rất mù mờ. Cho nên, có lẽ cần phải hiểu cho đúng về thăng hạng và bản chất của thăng hạng.
Trước năm 2010, khi chưa có Luật Viên chức GV được xếp theo ngạch, gọi là các ngạch GV mầm non, GV tiểu học, GV THCS và GV THPT. Các ngạch GV có mã số bắt đầu bằng con số 15. Ở mỗi cấp học, lại có các thứ bậc khác nhau thể hiện cấp độ của ngạch, bao gồm GV, GV chính và GV cao cấp.
Năm 2010, Luật Viên chức được ban hành và đến năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó có các quy định cụ thể về chức danh nghề nghiệp viên chức gắn với vị trí việc làm. Sau khi Luật Viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP có hiệu lực, năm 2015, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông công lập (Thông tư liên tịch số 20/2012/TTLT-BGDĐT-BNV, số 21/2012/TTLT-BGDĐT-BNV, số 22/2012/TTLT-BGDĐT-BNV, số 23/2012/TTLT-BGDĐT-BNV).
Cần lưu ý rằng, việc ban hành các Thông tư liên tịch nêu trên là một bước chuẩn hóa đội ngũ GV mầm non, phổ thông công lập theo quy định của Luật Viên chức và các quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Cô giáo tương lai |
Thăng hạng là không bắt buộc
Quay trở lại với câu hỏi: Thăng hạng bắt buộc hay không? Câu trả lời là thăng hạng không bắt buộc.
Theo quy định GV các cấp học được xếp vào 3 hạng (I, II, III đối với GV THCS, THPT; II, III, IV đối với GV mầm non, tiểu học). Trong đó, sau khi được xếp vào hạng thấp nhất, GV sẽ có quá trình tích lũy các điều kiện (về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ) để đủ điều kiện tham dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng cao hơn liền kề. Việc thăng hạng bắt buộc phải được thực hiện thông qua một kỳ thi hoặc xét do cơ quan có thẩm quyền tổ chức quyết định.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV, vấn đề lớn nhất còn tồn tại ở các địa phương vẫn là vấn đề nhận thức về các quy định: nhiều GV không hiểu hoặc hiểu không đúng về bản chất của tiêu chuẩn chức danh và các quy định liên quan. Cho nên, không lạ khi nhiều GV trên các diễn đàn công khai lớn tiếng phê phán Bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý “đẻ” ra nhiều quy định làm khó GV và tạo cơ sở để cho các đơn vị đào tạo kiếm tiền.
Nếu một GV từ lúc vào nghề cho đến khi nhận quyết định nghỉ chế độ không tham gia thăng hạng và vẫn chỉ ở hạng thấp nhất cũng không sao, miễn là GV đó đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng hiện giữ và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, không vi phạm các quy định của ngành, thì họ vẫn được hưởng lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có) theo quy định.
Còn trong trường hợp, GV có nhu cầu thăng lên hạng cao hơn thì bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng mong muốn được bổ nhiệm vào. Để được thăng hạng, cá nhân GV phải có kế hoạch và lộ trình cho việc tích lũy các điều kiện, minh chứng, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ cần thiết cho kỳ thi hoặc xét thăng hạng do cấp có thẩm quyền quy định.
Điều này, nếu hiểu đúng bản chất thì việc thăng hạng vốn là một chính sách rất minh bạch và sòng phẳng. Bởi, việc thăng hạng không đơn thuần là giải quyết chế độ chính sách mặc dù trong thăng hạng có thể có tăng lương (tăng nhiều hay ít tùy thời điểm, nếu GV thăng hạng càng sớm thì càng có lợi về lương và ngược lại). Thăng hạng thể hiện sự phát triển chuyên môn, nghiệp vụ vị trí và đẳng cấp của GV trong phát triển nghề nghiệp.