Rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục

GD&TĐ - Chiều 24/10, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020-2024.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại tọa đàm.

Dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Thư ký giúp việc Ban chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục; đại diện một số sở GD&ĐT; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; đại diện lãnh đạo Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Luật - ĐHQG Hà Nội và đại diện một số trường THPT.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Ngày 18/9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết trong năm 2023, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, lộ trình, tiến độ và kinh phí bảo đảm hoàn thành từng nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kèm theo Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 có Luật Giáo dục 2019.

toa-dam-1750-4326.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh chủ trì tọa đàm.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024. Tại phụ lục kèm theo Nghị quyết 32/NQ-CP, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì nhiệm vụ rà soát Luật Giáo dục 2019, thời gian thực hiện năm 2024.

Để triển khai nhiệm vụ xây dựng Báo cáo rà soát Luật Giáo dục, ngày 30/7/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020 - 2024; thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký giúp việc Ban chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục, giai đoạn 2020-2024.

Tại tọa đàm, Thứ trưởng yêu cầu các ý kiến tập trung trao đổi, thảo luận liên quan đến khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập, vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện Luật Giáo dục trong thực tiễn; vấn đề mới chưa được đề cập trong Luật, nhưng cần thiết phải đưa vào Luật; những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến lĩnh vực giáo dục cần thể chế hóa…

toa-dam-luat-giao-duc3-749-3398.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nghiêm Thị Hồng Vân trình bày báo cáo tóm tắt về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020-2024.

Trình bày báo cáo tóm tắt về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục giai đoạn 2020-2024, bà Nghiêm Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết:

Ngày 7/8/2024, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc báo cáo rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục, giai đoạn 2020 - 2024. Vụ Pháp chế đồng thời có công văn đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục.

Đến nay, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ, 45 sở GD&ĐT, 18 bộ, cơ quan ngang bộ; gần 90 cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về rà soát Luật Giáo dục.

toa-dam-luat-giao-duc2-1629-4245.jpg
Đại biểu tham góp ý kiến tại tọa đàm. Trong ảnh: Ông Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Dự kiến trong tháng 10 và tháng 11, Vụ Pháp chế sẽ tổ chức khảo sát, tọa đàm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để lấy ý kiến về việc triển khai các quy định của Luật Giáo dục nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục (nếu có).

Tại tọa đàm, các ý kiến chia sẻ, thảo luận tập trung vào một số nhóm vấn đề: quản lý nhà nước trong giáo dục, chính sách với nhà giáo, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên, giáo dục mầm non, triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018, tự chủ đại học, thành lập doanh nghiệp trong trường đại học…

toa-dam-luat-giao-duc1-1668-9511.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu kết luận tọa đàm.

Khẳng định Luật Giáo dục là hành lang pháp lý rất quan trọng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị bộ phận thường trực tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý để hoàn thiện Báo cáo rà soát. Thứ trưởng đồng thời mong muốn các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục…tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến góp ý hết sức cụ thể, có căn cứ khoa học và thực tiễn.

Luật Giáo dục quy định tổng thể các vấn đề về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.

Vì vậy, việc xây dựng Báo cáo rà soát Luật Giáo dục, trong đó nhận diện các vấn đề còn hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Giáo dục, làm cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật (nếu có) đòi hỏi có sự phối hợp của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, các chuyên gia, nhà khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ATACMS được bắn trong một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Lầu Năm Góc bác bỏ yêu cầu cấp ATACMS

GD&TĐ -Truyền thông Mỹ ngày 10/11 đưa tin: Lầu Năm Góc đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu cấp thêm tên lửa ATACMS của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky.

Tiền đạo Viktor Gyokeres được cả Barca và Man United quan tâm.

Barca tranh ngôi sao với Man United

GD&TĐ - Tiền đạo Viktor Gyokeres của câu lạc bộ Sporting Lisbon được một loạt đội bóng lớn của châu Âu quan tâm.