Nội dung của cuốn sách thể hiện lại tiến trình lịch sử cuộc chiến đấu anh dũng của lực lượng tù chính trị câu lưu tại nhà tù Côn Đảo. Cuốn sách chú trọng đi sâu vào các chuyên đề lớn của cuộc chiến đấu, như: xây dựng tổ chức Đảng lãnh đạo trong tù, nhiệm vụ chính trị chủ yếu đấu tranh bảo vệ khí tiết; công tác chính trị - tư tưởng; công tác binh chính vận (công tác tranh thủ) phân hóa hàng ngũ địch; cuối cùng rút ra được những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến đấu.
Tác giả Đỗ Hằng, chủ biên cuốn sách cho biết: "Những ghi chép được thể hiện trong cuốn sách nhằm để ghi dấu ấn một thời quá khứ hào hùng, cũng như những gì còn bổ ích cho đời sau".
Cho đến nay, đã có hơn 30 cuốn sách viết về nhà tù Côn Đảo với hai thể loại chính là lịch sử và ký sự, do một số tác giả hoặc một vài cơ quan khoa học tổ chức biên soạn. Cuốn sách Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957 – 1975) – Từ thực tiễn nhìn lại do một tập thể tác giả là những nhân vật trong cuộc, những hạt nhân tiêu biểu cho cuộc đấu tranh bảo vệ “khí tiết” trong nhà tù Côn Đảo cách đây hơn bốn mươi năm về trước. Họ không chỉ là nhân chứng mà còn là những nhân vật lịch sử của nhà tù Côn Đảo mà tên tuổi đã được ghi lại trong sử sách.
Cuốn sách này được đánh giá là một tài sản vô giá về cuộc đấu tranh cho lý tưởng cách mạng, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc Việt Nam, là tượng đài chiến thắng sau gần hai thập niên đấu tranh một mất một còn, để khẳng định chân lý: “Chính nghĩa thắng bạo tàn”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Chủ đề tác phẩm là “tù chính trị câu lưu” nhưng không chỉ viết về tù chính trị câu lưu như một xã hội tù riêng biệt mà đặt trong tương lai quan địch – ta và trong mối “tương tác chính trị” giữa các sắc tù: Tù chính trị câu lưu; tù chính trị thành án và nữ tù chính trị; kể cả bộ phận nhỏ có tình cảm với cách mạng trong tù quân phạm và thường phạm, thể hiện tính toàn diện của cuộc chiến đấu trên trường Côn Đảo, trải dài 18 năm, diễn ra trên nhiều địa bàn.