Trường Chinh là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chiến lược kiệt xuất, nhà lý luận cách mạng tầm vóc lớn, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng của dân tộc ta. Nhân kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh cũng là dịp chúng ta khơi dậy, tôn vinh và noi gương đồng chí để các thế hệ hôm nay suy ngẫm, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước trong hiện tại và tương lai.
Đồng chí Trường Chinh (bìa phải) chúc tết cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Thành Công - nơi xé rào đột phá về sản xuất công nghiệp vào tháng 1/1985. (Ảnh tư liệu)
Người đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp Đổi mới
Tổng Bí thư Trường Chinh đã cống hiến suốt cuộc đời một cách bền bỉ, kiên trung, sáng suốt cho cách mạng. Đồng chí luôn nổi lên như một điểm sáng rực rỡ nhất trong các bậc tiền bối cách mạng. Tên tuổi cũng như sự nghiệp của ông gắn liền với những thắng lợi lớn lao, vẻ vang của cách mạng Việt Nam, đặc biệt vào các thời điểm có tính chất bước ngoặt, khúc quanh lớn của lịch sử.
Ông là một trong những người đầu tiên ra nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Năm 1930, ông được chỉ định vào Ban tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, bị bắt và bị kết án 12 năm tù đày đi Sơn La. Cuối năm 1936, ông được thả tự do và tham gia Xứ ủy Bắc kỳ.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (năm 1941), ông được cử làm Tổng Bí thư Đảng, đồng thời kiêm chủ bút các báo và tạp chí cách mạng. Đồng chí cũng là một trong những người có nhiều đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện quan điểm, chủ trương giành chính quyền trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Trường Chinh được cử và giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí Thư, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dù ở cương vị nào, đồng chí luôn thể hiện rõ là một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo chiến lược tầm vóc, một nhà tổ chức xuất chúng và nhà lý luận cách mạng kiệt xuất.
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, kinh tế khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; hậu quả của chiến tranh; những dấu hiệu của biến động chính trị phức tạp trên thế giới, đã có những người tưởng như nước ta sẽ trượt theo sự sụp đổ chế độ theo dây truyền của các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Đông Âu.
Ở cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện rõ vai trò của một lãnh tụ chính trị có đủ bản lĩnh, phẩm chất và tài năng trong định hướng, tổ chức, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn và giành thắng lợi. Khi đó tuổi đã cao, nhưng tư duy lý luận của đồng chí tràn đầy sinh khí về tính khoa học, sự sắc sảo, độ nhanh nhạy với tầm nhìn chiến lược không chỉ trong nước, mà còn ở thế giới.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ X (năm 1986), đồng chí Trường Chinh viết: “Đối với nước ta, đổi mới cũng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, vừa phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại” (Trường Chinh: Đổi mới là yêu cầu bức thiết của đất nước và của thời đại, Nxb, Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 66).
Tổng Bí thư Trường Chinh và các lãnh đạo cấp cao bỏ phiếu tại Đại hội VI. Ảnh tư liệu
Theo đồng chí Trường Chinh, đổi mới như mệnh lệnh của lịch sử, có tính khách quan, quy luật sống còn của dân tộc. Có thể thấy, ông là người đặt viên gạch đầu tiên cho toàn bộ sự nghiệp đổi mới ở nước ta trong bối cảnh ngặt nghèo nhất, khúc quanh lớn của lịch sử. Ở đồng chí Trường Chinh toát lên một tinh thần bám sát thực tiễn và vận dụng sáng tạo thế giới quan, phương pháp luận chủ nghĩa Mác – Lênin vào phát triển lý luận cách mạng. Những quan điểm và những quyết sách chính trị của đồng chí đều sát hợp với hơi thở của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Đồng chí Trường Chinh đã đi khảo sát thực tế nhiều nơi, biết lắng nghe ý kiến từ cơ sở; đặt ra nhiều vấn đề mới ở trong nước và thế giới cho ban nghiên cứu lý luận phải giải đáp. Trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới khủng hoảng trầm trọng, nhưng đồng chí Trường Chinh không bị dao động, ngả nghiêng, nao núng. Ông vẫn thể hiện rõ sự kiên định, sự trung thành tuyệt đối với hệ tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần đổi mới. Khi đó, đồng chí luôn là điểm tựa vững chắc cho bổ sung, phát triển lý luận về con đường cách mạng ở Việt Nam.
Khởi xướng phạm trù đổi mới tư duy kinh tế
Đồng chí Trường Chinh là chiến sĩ tiên phong trong phê phán, tiến công vào tư duy bảo thủ, giáo điều; cơ chế bao cấp và mở ra kỷ nguyên mới cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Mặc dù cũng có một thời gian có tư tưởng bảo vệ cơ chế bao cấp, nhưng ông đã nhanh chóng phát hiện ra sự lạc hậu của nó và kịp thời, kiên quyết thực hiện bước chuyển đổi trong điều kiện mới.
Vốn là người cẩn trọng, giữ vững nguyên tắc chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng không bị sa vào giáo điều, máy móc, rập khuôn, cứng nhắc, mà rất linh hoạt, dám đoạn tuyệt với cái cũ, cái không còn phù hợp để từng bước chuyển sang mô hình kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Trường Chinh là người khởi xướng phạm trù “đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế” và đã bổ sung nhiều khái niệm với nội dung mới về con đường cách mạng Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo đồng chí Trường Chinh: “Tư duy đó cũng chính là nắm vững quy luật và hành động theo quy luật”. Trên cơ sở ấy, mới có thể đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Có thể hiểu, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là nội dung quan trọng nhất của đổi mới, nhưng phải dựa trên cơ sở của đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế.
Khi đó, Tổng Bí thư Trường Chinh cũng là người khởi xướng, định hướng cho xem xét lại tư duy lý luận cũ và bổ sung, phát triển mới. Ông khẳng định: Thực tế không cho phép chúng ta tiến thẳng trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội mà phải xuyên qua những bước quá độ đặc biệt cần thiết. Ông đã phát hiện ra khâu yếu nhất, nguyên nhân cơ bản nhất kìm hãm phát triển là tư duy giáo điều, máy móc và cơ chế, mô hình cũ. Từ đổi mới tư duy đến đổi mới mô hình, cơ chế và phương thức lãnh đạo của Đảng là sự “điểm huyệt” đúng và trúng nhất, cho phép giải toàn bộ tiềm năng, sức sản xuất của toàn xã hội, đưa năng suất lao động lên cao.
Đồng chí Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12/1986. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Trường Chinh là hiện thân của bản lĩnh chính trị; sự sắc sảo về tư duy đổi mới và là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng; suốt đời cống hiến, hy sinh cho dân tộc, cho cách mạng. Ông luôn ở vị trí đứng trước mũi, chịu sào, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang. Thân thế và sự nghiệp, đặc biệt là tư duy lý luận của đồng chí Trường Chinh luôn có giá trị và trường tồn cùng lịch sử dân tộc ta.
Hiện nay những khó khăn, thách thức, nguy cơ của cách mạng nước ta vẫn chưa được đẩy lùi như Nghị quyết Đại hội XII tiếp tục khẳng định. Ôn lại những cống hiến lớn lao của Tổng Bí thư Trường Chinh để suy ngẫm, cũng như củng cố niềm tin, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với hiện tại và tương lai đất nước.
Lịch sử còn không ít khó khăn, thậm chí có thể có cả những khúc quanh lớn, khó lường, nhưng tấm gương sáng ngời của Tổng Bí thư Trường Chinh luôn chiếu rọi cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vững tin và vượt qua để giành thắng lợi.
Hiện nay, vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cũng như diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” đang đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của dân tộc. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục noi gương Tổng Bí thư Trường Chinh để tự chấn chỉnh, tự đổi mới, đưa cách mạng nước ta đến thắng lợi cuối cùng./.
Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học – Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng