Ra mắt bộ sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân

GD&TĐ - Nhân kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân (1868 – 2018), NXB Thế giới ra mắt bộ sách gồm bốn tác phẩm: "Khái lược văn minh luận", "Phúc ông tự truyện" và "Nhật Bản Duy Tân 30 năm", “Duy Tân thập kiệt - Mười nhân vật kiệt xuất của Minh Trị Duy Tân". 

Những cuốn sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân.
Những cuốn sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân.

Bộ sách đề cập đến những yếu tố cơ bản của nền văn minh: Đó là khai sáng, tự do, công bằng và những điều tốt đẹp cho xã hội.

Minh Trị Duy Tân, còn gọi là Cải cách Minh Trị hay Cách mạng Minh Trị là một chuỗi các sự kiện cải cách, cách tân dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản, bắt đầu từ năm 1868 – 1912.

Đây là một sự kiện trọng đại, có tính bước ngoặt, có ý nghĩa mở đường cho việc biến nước Nhật Bản phong kiến thành một nước tư bản chủ nghĩa, thoát khỏi một nước thuộc địa hoặc nửa thuộc địa.

Cuộc cải cách đã đưa nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong 30 năm cuối thế kỉ XIX, đưa nước Nhật trở thành một cường quốc quân sự vào năm 1905. Nhờ thế, Nhật Bản đã phát triển đất nước theo con đường hiện đại hoá và tránh được sự xâm lược của các nước phương Tây vào thời Cận đại.

Thành quả vĩ đại ấy là sự cộng hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến công cuộc “cải cách giáo dục” và “vai trò” to lớn của nó.

Cuốn sách “Nhật Bản duy tân 30 năm”.
Cuốn sách “Nhật Bản duy tân 30 năm”.

Cuốn sách “Nhật Bản duy tân 30 năm” của Đào Trinh Nhất có thể được xem như một cẩm nang sử học dành cho những ai muốn tìm hiểu về chính trị - xã hội, đặc biệt đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản, nhất là giai đoạn mà Nhật Bản thực hiện công cuộc duy tân.

“Nhật Bản duy tân 30 năm” sẽ giúp độc giả trả lời những câu hỏi như: Đâu là công cuộc duy tân ở Nhật Bản? Sự lột xác thần kỳ của Nhật Bản phải chăng là do may mắn? Nhật Bản đã làm những gì để có những thay đổi ngoạn mục, trở thành biểu tượng cho cả thế giới? Liệu rằng chúng ta có học hỏi được gì từ bài học duy tân của Nhật Bản hay không?

Cuốn sách văn học sử Nhật Bản này sẽ cho độc giả một cái nhìn toàn vẹn về một cường quốc nhỏ bé về địa lý nhưng đã đạt được những thành tựu thần kỳ về văn hóa - chính trị - xã hội.

Bìa cuốn sách “Phúc ông tự truyện”.
Bìa cuốn sách “Phúc ông tự truyện”. 

“Phúc ông tự truyện” - Fukuzawa Yukichi là cuốn tự truyện kể về những bước thăng trầm của cuộc đời Fukuzawa Yukichi – người được coi là nhà tư tưởng trong cuộc “canh tân” thời Minh Trị.

Có thể nói, chưa đọc “Phúc ông tự truyện” thì chưa thể hiểu nhân cách cũng như tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Cuốn tự truyện không chỉ là lời tự thuật chân thực về những thăng trầm trong cuộc đời của riêng Fukuzawa mà còn tái hiện được cả bối cảnh phức tạp của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ chuyển biến dữ dội vào nửa cuối thế kỷ XIX.

Cuốn sách “Khái lược văn minh luận”.
Cuốn sách “Khái lược văn minh luận”.

“Khái lược văn minh luận” - Fukuzawa Kukichi là cuốn sách đặc biệt quan trong của Fukuzawa Kukichi. Cuốn sách nêu những kiến giải của ông về văn minh hiện đại hầu như đối lập với lối tư duy thủ cựu Nho giáo của Nhật Bản lúc bấy giờ. Từ đó, ông trình bày mọi suy nghĩ về tiến trình phát triển của người Nhật để trở thành một quốc gia, một dân tộc văn minh. Và theo ông, độc lập quốc gia là mục tiêu, và văn minh hiện tại của nước Nhật là cách thức để đạt được mục tiêu đó.

Fukuzawa Yukichi viết cuốn sách này năm 1875, gần 10 năm sau khi công cuộc Minh Trị Duy tân bắt đầu ở Nhật.

Đó là giai đoạn người Nhật vẫn phải đương đầu với những chống đối trong nước, với nhiều người thuộc phe có tinh thần bảo thủ muốn duy trì thể chế và nhất là văn hóa truyền thống lâu đời. Nhận thức được những khó khăn đó, Fukuzawa Yukichi tin rằng, cần lí giải rõ hành trình mà nước Nhật Bản phải đi để tạo dựng nền văn minh mới, nền văn minh hiện đại của một quốc gia hiện đại.

Cuốn sách "Duy Tân thập kiệt.
Cuốn sách "Duy Tân thập kiệt.

Trong "Duy Tân thập kiệt - Mười nhân vật kiệt xuất của Minh Trị Duy tân", tác giả Nguyễn Tiến Lực chọn lọc ra mười nhân vật có công tích kiệt xuất đối với toàn bộ sự nghiệp Minh Trị Duy tân của Nhật Bản, kéo dài từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Mười nhân vật này là:  Yoshida Shoin, Sakamoto Ryoma (hai nhân vật có tầm nhìn trước thời đại, đặt nền móng “đảo Mạc” và giúp liên kết các Han tạo lực lượng chủ lực cho công cuộc lật đổ Mạc phủ Tokugawa thành công.

Nhóm “Duy tân tam kiệt” gồm Saigo Takamori, Okubo Toshimichi, Kido Takayoshi - có công lớn nhất cho giai đoạn “tông Hoàng đảo Mạc” (lật đổ Mạc Phủ, lấy lại quyền lực về tay Thiên hoàng) và đầu thời kỳ Minh Trị Duy tân.

Nhóm “Duy tân ngũ kiệt mới” gồm Iwakura Tomomi, Ito Hirobumi, Okuma Shigenobu, Fukuzawa Yukichi và Shibusawa Eiichi - 5 nhân vật đặt nền móng xây dựng một nước Nhật hiện đại ở các lĩnh vực nội chính, ngoại giao, kinh tế, tài chính-tiền tệ, giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.