Giao lưu với nhà văn Trần Đức Tiến cùng “Xóm Bờ Giậu”

GD&TĐ - Sáng ngày 6/10.2018 tại, Hội sách Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu với nhà văn Trần Đức Tiến hân dịp ra mắt tập truyện đồng thoại “Xóm Bờ Giậu”. Chương trình ra mắt sách còn có sự tham gia của họa sĩ Kim Duẩn với sự dẫn dắt của tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh.

Buổi giao lưu ra mắt sách
Buổi giao lưu ra mắt sách

Nhà văn Trần Đức Tiến đã rất thành công trong những tác phẩm văn học viết cho người lớn, nhưng ông cũng dành nhiều tâm huyết viết cho thiếu nhi.

Ông hiện là Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam. Viết cho người lớn thì sắc sảo, góc cạnh nhưng với thiếu nhi, nhà văn Trần Đức tiến lại dành cho các em những trang viết rất trong trẻo, mượt mà.

Nhà văn Trần Đức Tiến
Nhà văn Trần Đức Tiến  

Ông cũng nhiều năm làm Trưởng ban Giám khảo trong các cuộc Vận động Sáng tác cho Thiếu nhi của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch, do Nhà xuất bản Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch phối hợp thực hiện.

Xóm Bờ Giậu tuyển chọn 25 truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến. Nhân vật chính trong truyện là loài vật, đồ vật có suy nghĩ, tình cảm, hành động sống động, ngộ nghĩnh mà sâu sắc.

Đến Xóm Bờ Giậu, bạn đọc nhí sẽ được làm quen với những nhân vật rất thú vị: cụ giáo Cóc thông thái về hưu, nhạc sĩ trứ danh Dế Lửa, chú thợ săn nhiều tâm sự Thằn Lằn, cô người mẫu đáng yêu Ốc Sên, chuyên gia dự báo thời tiết Tắc Kè, vận động viên bận bịu Nhái Xanh, cô nàng điệu đàng Hoa Cúc Áo, thi sĩ nghiệp dư lãng mạn Dế Còm.

Nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ, khác với nhà văn Tô Hoài viết về một nhân vật Dế Mèn, trong cuốn sách "Xóm bờ Dậu" có nhiều nhân vật như Dế Lửa, Dế Còm, cô Cúc Áo...mỗi nhân vật là một câu chuyện với những thân phận khác nhau. Có những truyện mang hơi hướng cổ tích hiện đại, vừa mở rộng biên độ tưởng tượng cho các em nhỏ.

Đọc Xóm Bờ Giậu, độc giả sẽ phần nào hiểu được tâm nguyện đó của một tác giả luôn mong muốn dành tặng cho tâm hồn trong sáng của con trẻ những tác phẩm văn chương đích thực. Cuốn sách dành cho độc giả thiếu nhi và những độc giả muốn tìm lại phần tuổi thơ trong tâm hồn mình.

Viết cho thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến luôn tâm niệm: “Có hai điều tôi luôn luôn nghĩ tới mỗi khi ngồi viết cho các em: Viết thế nào cho các em thích đọc và có những tác phẩm văn học được đọc từ lúc còn nhỏ sẽ đi theo người ta suốt đời.”

Nhà văn Trần Đức Tiến và họa sĩ Kim Duẩn chia sẻ về cuốn sách
Nhà văn Trần Đức Tiến  và họa sĩ Kim Duẩn chia sẻ về cuốn sách

Thông qua hình tượng các nhân vật như: Kiến, cụ giáo Cóc, cô Ốc Sên, anh Thằn Lằn… nhà văn Trần Đức Tiến mang đến cho các độc giả nhí những bài học ý nghĩa về lòng dũng cảm, đức tính chăm chỉ, yêu lao động. Bên cạnh đó, những câu chuyện trong Xóm Bờ Giậu cũng ẩn chứa nhiều truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam như: tình làng nghĩa xóm, lòng yêu quê hương, đạo lý uống nước nhớ nguồn…

Không chỉ có vậy, tập truyện Xóm Bờ Giậu còn bồi đắp cho các độc giả nhí tình yêu với thiên nhiên, trân trọng những điều tốt đẹp, dù là nhỏ bé trong cuộc sống như: một nhành hoa, một chú ong, một ngọn cỏ. Bởi thế giới này tươi đẹp hơn nhờ tình yêu thương và yêu thương là đó cũng là điều chúng ta phải học suốt cuộc đời.

Một số tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến đã xuất bản: Ốc Mượn Hồn (1992), Vương Quốc Vắng Nụ Cười (1993), Dế Mùa Thu (1997), Thằng Cúp (2001), Làm Mèo (2003, 2015), Trăng Vùi Trong Cỏ (2006), Những Truyện Hay Viết Cho Thiếu Nhi – Trần Đức Tiến (2013), Trên Đôi Cánh Chuồn Chuồn (2015), Xóm Bờ Giậu (2018)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.