Tháo gỡ từ đội ngũ
Ông Cao Xuân Nghì – Phó trưởng Phòng GD&ĐT Quản Bạ (Hà Giang) cho biết: Tính đến 31/5/2019, ngành Giáo dục có 1.320 cán bộ quản lý (CBQL), GV, nhân viên (giảm 12 người so với cùng kỳ năm học 2017 - 2018). Đội ngũ GV còn thiếu nhiều so với biên chế được giao và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tại các trường.
Để chuẩn bị thực hiện CTGDPT mới, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện trong công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ quản lý, GV, nhân viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học. Cùng đó cử và tạo điều kiện cho CBQL, GV tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, quản lý Nhà nước…
Đặc biệt, ngành đã khẩn trương rà soát, cử tham gia đào tạo số GV dạy các môn Tin học, Tiếng Anh còn thiếu khi thực hiện CTGDPT mới.
Cũng như nhiều địa phương, giáo dục Đắk Lắk đã xác định phát triển CBQL, đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu đổi mới CT, SGK là một trong những vấn đề trọng tâm cần gấp rút chuẩn bị. Theo ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk: Ngành đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ GV và CBQL; Tích cực giải quyết vấn đề thừa, thiếu cục bộ GV trong các nhà trường.
Đồng thời xác định nhu cầu GV theo lộ trình thực hiện CT, SGK GDPT mới để đề xuất các phương án tuyển dụng GV hợp lý. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ CBQL, GV đáp ứng yêu cầu giáo dục/dạy học theo CTGDPT mới…
Ảnh minh họa/ Internet |
Tích cực trang bị cơ sở vật chất
Một trong những điều kiện quan trọng để triển khai CTGDPT mới là cơ sở vật chất trường lớp. Mặc dù trong những năm gần đây, cơ sở trường lớp, trang thiết bị dạy học đã có sự quan tâm đầu tư đáng kể song không thể phủ nhận thực tế nhiều nơi còn khó khăn. Năm học 2019 - 2020, giáo dục TH – bậc học đi đầu trong thực hiện CTGDPT mới sẽ phải nhanh chóng được đầu tư, trang bị đầy đủ.
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Duy Hải – Trưởng phòng GDTH, Sở GD&ĐT Lâm Đồng thì số trường lớp học, hệ thống phòng chức năng phục vụ học tập, phòng hành chính quản trị, công trình vệ sinh, sân chơi bãi tập đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập vui chơi của học sinh. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng còn phòng học tạm, chưa bảo đảm tỉ lệ 1 phòng học/lớp, tỉ lệ các trường TH dạy học hơn 5 buổi/tuần vẫn còn cao. Một số trường học chưa chú trọng công tác giữ gìn vệ sinh trường lớp, tôn tạo cảnh quan trường học.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La – ông Phạm Thanh Hải, cũng cho biết hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của các đơn vị trường học tuy đã được đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Toàn ngành có 865 phòng học, trong đó có 528 phòng học kiên cố, 224 phòng học bán kiên cố, 97 phòng học tạm và 16 phòng học nhờ.
Đa số các nhà trường còn thiếu các phòng thí nghiệm, thiết bị và thư viện… Hiện nay ngành Giáo dục Vân Hồ đang tích cực phối hợp với các phòng, ban liên quan tham mưu cho UBND huyện sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị trường học, rà soát cơ sở vật chất (đặc biệt là phòng học và các phòng chức năng) đề nghị đầu tư xây dựng...