Quyết tâm dạy học chất lượng Chương trình mới ngay từ năm đầu tiên cấp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến thời điểm này, các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đều đã hoàn tất công tác lựa chọn tổ hợp môn học, sẵn sàng bước vào năm học mới.

Học sinh Hà Nội sẵn sàng bước vào năm học mới
Học sinh Hà Nội sẵn sàng bước vào năm học mới

Sẵn sàng cho năm học mới

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Cùng với cả nước, ngành GD-ĐT Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện cần thiết, sẵn sàng triển khai chương trình mới với lớp 10, quyết tâm dạy học chất lượng ngay từ năm đầu tiên.

Ngày 23/8, Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) tập trung học sinh lớp 10. Đây là lần đầu tiên các em được gặp nhau sau khi thi đỗ vào trường. Đặc biệt các em đã hoàn thành việc lựa chọn môn học trong 3 năm tới theo đúng sở trường, nguyện vọng.

Em Nguyễn Hà Phương- học sinh lớp 10A5 cho biết: Em đam mê môn Toán từ những năm học cấp 2. Khi biết lên cấp 3 sẽ phải chọn tổ hợp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, em đã lựa chọn khoa học tự nhiên vì đây là thế mạnh của mình. Em nghĩ khi đã học tốt môn Toán thì sẽ học tốt những môn còn lại như Vật lý, Hóa học và sẽ có thời gian để tập trung học đúng trọng tâm hơn.

Còn Phạm Bá Quang- học sinh lớp 10D1 chia sẻ: Em sẽ lựa chọn khối D để thi đại học, gồm 3 môn là Toán, Văn, Tiếng Anh. Sau khi tham khảo ý kiến của bố mẹ, thầy cô, các anh chị khóa trên và bạn bè, em đã quyết định theo học ban Khoa học xã hội. Khi lựa chọn các môn học theo đúng sở trường việc học sẽ nhẹ nhàng hơn vì chỉ tập trung vào các môn chính thay vì học các môn khác. Việc này giúp em thi vào đại học dễ dàng hơn.

Cô Nguyễn Thị Thanh Bình- tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Phạm Hồng Thái cho biết: Năm nay, 747 học sinh lớp 10 thi đỗ vào trường được chia làm 17 lớp theo 4 nhóm môn lựa chọn của 2 tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học xã hội, phù hợp với điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất của nhà trường. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị dạy học trong năm học mới đã hoàn tất.

Tất cả giáo viên trong trường đã được tham gia các lớp tập huấn về sách giáo khoa, về phương pháp giảng dạy, về cách tiếp cận chương trình mới theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Từng bộ môn, từng tổ chuyên môn đã có định hướng tập trung bàn bạc về những định hướng mới nhất cho chương trình mới.

Căn cứ vào nhu cầu nguyện vọng học theo các ban của học sinh, nhà trường đã hoàn thành chia các khối lớp, phân chia đội ngũ giáo viên dạy theo đúng ban đã được hình thành. Nhà trường cũng đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu dạy học trong năm học mới, đặc biệt quan tâm đối với học sinh khối 10.

Theo thầy Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), mục tiêu của trường là cố gắng đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh. Nhà trường xây dựng 6 nhóm các môn học lựa chọn, trong đó có cả nhóm môn nghệ thuật.

Hiện tại, các phòng chức năng của nhóm môn này đang được hoàn thiện; phương án ký hợp đồng với giáo viên cũng đã sẵn sàng. Trong quá trình tư vấn, hướng dẫn học sinh đăng ký chọn môn học, nhà trường không chỉ quan tâm đến nguyện vọng, mà còn lưu ý học sinh về sở trường và định hướng nghề nghiệp.

Trường THPT Phạm Hồng Thái chuẩn bị sách lớp 10 phục vụ năm học mới

Trường THPT Phạm Hồng Thái chuẩn bị sách lớp 10 phục vụ năm học mới

Đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh

So với chương trình hiện hành, điểm mới đáng chú ý của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là mỗi học sinh đều phải học một số môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Bên cạnh đó, học sinh được tự chọn một số môn học, chia thành các nhóm môn cơ bản: Nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên, nhóm môn công nghệ và nghệ thuật. Riêng môn lịch sử sẽ bao gồm nội dung bắt buộc với tất cả học sinh và nội dung tự chọn, dành cho những em yêu thích môn học này.

Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai đối với các khối lớp còn lại vào các năm học tiếp theo, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành chương trình năm học chất lượng; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng; đổi mới công tác quản lý giáo dục.

Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, các nhà trường tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tập trung tổ chức tốt việc bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch năm học 2022-2023; gắn nội dung bồi dưỡng thường xuyên với nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường và trong cụm trường; tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên.

Ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho rằng, nhằm giải quyết hiện tượng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành. Các trường cần chủ động đề xuất, thực hiện các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn trước mắt, ưu tiên nguồn nhân lực hiện có để tổ chức dạy học hiệu quả.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các nhà trường xây dựng các nhóm môn học bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế, cố gắng đáp ứng ngày càng nhiều nguyện vọng của học sinh. Sở luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn với các nhà trường trong quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT Hà Nội đã chủ động ứng phó với dịch Covid-19, tổ chức dạy học linh hoạt, hoàn thành kế hoạch thời gian năm học đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,27%. Điểm trung bình một số môn thi được cải thiện: Môn Lịch sử tăng 1,63 điểm; môn Hóa học tăng 0,026 điểm; môn Vật lý tăng 0,083 điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ