Đi tìm giải pháp
Từng có 12 năm đứng trên bục giảng và 9 năm trong biên chế của Trường THCS Tân Hưng (TP Hưng Yên), thế nhưng cô Lê Ngọc Hiệp vẫn quyết định bỏ nghề, để chuyển sang làm kinh doanh cùng chồng. Chia sẻ về lý do “chia tay” với phấn trắng, bảng đen, cô Hiệp cho hay: Phần vì lương thấp không đủ trang trải cuộc sống. Thứ nữa, làm giáo viên có nhiều áp lực, sợ nhất là những áp lực vô hình.
“Dù đã có thâm niên trong nghề, nhưng tại thời điểm tôi xin nghỉ việc, thu nhập hàng tháng được hơn 5 triệu đồng. Trong khi, hàng ngày đi làm hơn 10km và hai con không có người đưa đón, chăm sóc. Đó là chưa tính đến các chi phí và những phụ phí phát sinh hàng ngày” – cô Hiệp bộc bạch.
Là một trong những trường thiếu giáo viên, nên trước thềm năm học mới, cô Phan Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa) vẫn thấp thỏm mong được bổ sung để đảm bảo đủ số lượng thầy, cô giáo. Cô Yến chia sẻ, cấp trên đã cho cơ chế hợp đồng số giáo viên còn thiếu. Nhưng việc này không dễ, bởi lương giáo viên hợp đồng thấp nên ít người “mặn mà”.
Một lớp học của Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: NVCC |
Theo cô Yến, những năm trước, trường đã ký hợp đồng với một số giáo viên, nhưng dạy được một thời gian, thầy cô xin nghỉ và chuyển sang làm việc khác. Lý do là lương thấp, phải đi xa và nhiều áp lực, nhất là sau dịch Covid-19, việc tái ký hợp đồng với giáo viên càng gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết đã xin làm việc ổn định tại các công ty, xí nghiệp, nhà máy với mức lương ổn định và cao hơn nghề dạy học.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh Tăng Thị Ngọc Mai cho hay, địa phương có khoảng hơn 100 giáo viên xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau; trong đó có nguyên nhân từ việc thu nhập thấp và có nhiều áp lực bủa vây. Nhất là sau dịch Covid-19, nhiều giáo viên hợp đồng đã bỏ nghề và chuyển sang làm công nhân, với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu/tháng. Trong khi thu nhập của giáo viên hợp đồng ở mức trên, dưới 3 triệu/tháng. Vì thế, nhiều người không còn mặn mà với “bục giảng” nên việc tái ký hợp đồng gặp khó khăn.
Ở các địa phương khác, dù không thống kê con số cụ thể nhưng cũng thừa nhận có tình trạng giáo viên bỏ nghề. Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, trong đại dịch Covid-19, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có nguồn thu nên đời sống khó khăn. Nhiều người phải bỏ nghề, chuyển việc dẫn đến tình trạng dù bình thường mới nhưng nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải giải thể hoặc đối diện nguy cơ giải thể.
Cô - trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: NTCC |
Cần giải pháp căn cơ
Trước thực trạng trên, bà Tăng Thị Ngọc Mai đề nghị, cần thay đổi về thể chế, cơ chế và cách nhìn về giáo dục. Bổ sung nguồn tài chính cho ngành Giáo dục nói chung và cho các trường học nói riêng để có đủ kinh phí chi trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên.
“Hiện nay, kinh phí giao cho giáo dục dựa trên số lượng giáo viên thực tế, không giao theo số lượng biên chế được giao. Đây là một trong những bất cập cần được tháo gỡ” – bà Mai nêu ý kiến, đồng thời cho rằng, về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ. Theo đó, các địa phương cần triển khai, thực hiện tốt Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó có cơ chế đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên.
Từ thực tế của bản thân, cô Lê Ngọc Hiệp mong muốn, cần cải thiện chế độ tiền công, tiền lương của giáo viên. Ít nhất, lương của giáo viên cũng phải đủ để trang trải cho cuộc sống thường nhật. “Chúng tôi là phụ nữ nên chi tiêu có thể tiết kiệm. Nhưng với các thầy giáo – “trụ cột” gia đình, với mức thu nhập như hiện nay quả thật là khó khăn. Nếu như lương của giáo viên tương đương với mức lương của ngành công an, quân đội, tôi tin sẽ không có nhiều người bỏ nghề dạy học” – cô Hiệp bày tỏ.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - nhấn mạnh, muốn nâng cao chất lượng giáo viên, cần nâng mức lương cho thầy, cô giáo. Bởi thực tế, đời sống của giáo viên Việt Nam còn thấp. Thu nhập của một giáo viên mới ra trường chỉ được trên dưới 3 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cho cuộc sống, chứ đừng nói đến chuyện tích lũy. Ở nhiều quốc gia, giáo viên được coi trọng nên thu nhập của họ có thể nuôi sống được gia đình.
“Tôi cho rằng, việc nâng lương cho giáo viên là hoàn toàn thỏa đáng” - PGS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm, đồng thời nhìn nhận: Ngoài lương thấp, giáo viên cũng chịu áp lực từ nhiều phía: Lãnh đạo, phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội. Do đó, cần có giải pháp cho giáo viên để phát huy năng lực, sức sáng tạo trong dạy học.
Cho rằng, có những vấn đề ngành Giáo dục không làm một mình được, mà cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương, PGS.TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế - viện dẫn: Đơn cử như “đặt hàng” các trường sư phạm để đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong bối cảnh giáo viên vừa thiếu, vừa thừa cục bộ, thì việc “đặt hàng đào tạo” là giải pháp cung cấp nguồn tuyển “trúng đích”.
Cô Phan Thị Hải Yến cho hay, năm học 2021 - 2022, do tình trạng thiếu giáo viên nên ban giám hiệu phải cắt cử, thay nhau đứng lớp. Thậm chí có giáo viên phải chủ nhiệm 2 lớp khác nhau, nhằm đảm bảo nguyên tắc: Có học sinh sẽ có giáo viên dạy học.