Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh khi nói về Kỳ thi THPT Quốc gia.
Kỳ thi giải tỏa được lo âu của nhiều người
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng đưa ra một phép tính: Một triệu người đi thi đại học bao gồm số tốt nghiệp hằng năm cộng với số tốt nghiệp năm trước chưa vào được đại học và số giám thị bằng khoảng 4 - 5 % số thí sinh, từ đó, cho thấy sự tiết kiệm của quyết định một kỳ thi quốc gia.
Cho rằng, quyết định về một kỳ thi quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành đã giải tỏa được lo âu của nhiều người, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng lý giải:
Trước hết, với những ai quan tâm đến việc “thi làm gì”, vẫn có thể tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, đảm bảo đánh giá được học sinh, được nhà trường và vẫn đánh dấu được một thời điểm cần phải đánh dấu - học sinh kết thúc trung học phổ thông.
Kỳ thi đã lựa chọn 3 môn thi bắt buộc và 1 môn thi tự chọn, một trong những môn bắt buộc có ngoại ngữ - đó là một bước tiến nếu chúng ta muốn hòa nhập với thế giới nhanh hơn.
Tuy nhiên, Quyết định cũng rất “mở” với quy định: Những địa phương không tổ chức được việc học ngoại ngữ thì có thể chọn môn thay thế.
Bên cạnh đó, kết quả 4 môn thi, trong đó có một môn tự chọn giải quyết được bài toán: Tốt nghiệp phổ thông nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng của nhiều người về một kỳ thi “học gì thi nấy”. Kết quả này đồng thời thuận lợi hơn cho các thí sinh thi vào trường đại học với các môn thi truyền thống khối D.
Sự công bằng và khả thi của kỳ thi, theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng còn ở chỗ: Kết quả xét tốt nghiệp là điểm trung bình của 4 môn thi tối thiểu cộng điểm trung bình của các môn học lớp 12 - điều này làm giảm thiểu sự học lệch ở bậc phổ thông.
Giải quyết bài toán xét tuyển vào đại học
Bài toán xét tuyển đại học, theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cũng được giải quyết trong việc quyết định tính phân hóa của kỳ thi ở 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
“Nếu chúng ta làm tốt công tác đề thi, thể hiện ở các đề thi có sự phân hóa trình độ thí sinh ở 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, thì việc các trường đại học có thể sử dụng được kết quả của kỳ thi chung là khả dĩ.
Việc để thí sinh thi các môn khác nếu muốn lấy điểm để xét tuyển vào trường đại học cũng đã phần nào giải quyết được tình trạng không công bằng giữa các thi sinh nộp hồ sơ vào các trường đại học có chủ trương tuyển khối D và thí sinh thi các khối khác. Cơ hội thi thêm một môn với thí sinh là ngang bằng.
Chẳng hạn, nếu dự kiến nộp hồ sơ xét tuyển ở các trường đại học khối A, ngoài môn Toán là môn thi bắt buộc của kỳ thi quốc gia, thí sinh sẽ lựa chọn một môn thi tự chọn phù hợp với khối xét tuyển chẳng hạn Vật lý (hoặc Hóa học) và chỉ phải thi thêm một môn thi nữa là Hóa học (hoặc Vật lý).
Cũng tương tự với những thí sinh chọn đăng ký xét tuyển của các trường khối B, các môn tự chọn bắt buộc là Hóa học (hoặc Sinh học) và các môn chọn thi thêm khối B là Sinh học (hoặc Hóa học);
Với các em nộp hồ sơ tuyển sinh vào các trường thi khối C, môn tự chọn bắt buộc là Lịch sử (hoặc Địa lý) và môn thi thêm là Địa lý (hoặc Lịch sử). Các khối thi năng khiếu, tất nhiên thí sinh phải đến thi môn năng khiếu ở các trường đại học mà các em lựa chọn…
Chuẩn bị kỹ càng phương án thi theo cụm
Nhận định việc tổ chức thi sẽ có thể gặp khó khăn trong năm đầu, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng đồng thời đặt ra câu hỏi: Thi theo cụm nhưng cụm thi là cụm của nhiều huyện hay một vài tỉnh?
Hiệu trưởng này cho biết: Các trường đại học tổ chức thi tuyển hàng năm như hiện nay, mỗi điểm thi phải vài ba chục phòng thi (thường trên 30 phòng đến cả trăm phòng), số thí sinh ứng thí bằng số học sinh lớp 12 của vài ba trường cỡ trung bình cộng lại.
Chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ phải có phương án cụm thi để việc tổ chức thi sao cho vừa giúp học sinh di chuyển ít nhất đồng thời cũng phải đảm bảo cho việc vận chuyển đề thi và giám thị với khoảng cách nhỏ nhất.
Việc giao cho các trường đại học chịu trách nhiệm tổ chức thi theo cụm, chấm thi cũng cần phải chuẩn bị kỹ càng.
Thi tuyển sinh đại học trong những năm vừa qua, các trường đại học đều phải mời giáo viên phổ thông coi và chấm thi.
Nếu tổ chức thi theo cụm, thì việc các trường đại học phải mời giáo viên người địa phương tham gia coi thi là việc không phải bàn.
Thể hiện băn khoăn, liệu có thể chấm dứt được tình trạng giáo viên ở các địa phương “nhẹ tay” với những vi phạm của thí sinh, PGS Nguyễn Kim Hồng bày tỏ mong muốn lãnh đạo Bộ GD&ĐT sớm có phương án cho kỳ thi này, nhất là ở khâu coi thi.
Đồng thời đề nghị, về chấm thi, độ tin cậy có thể cao hơn nếu chuyển bài thi về các trường đại học được giao nhiệm vụ chấm thi.
Phải tính tới sự tham gia của công nghệ thông tin
Theo PGS Nguyễn Kim Hồng, ít nhất năm thi đầu tiên của một kỳ thi quốc gia, việc xét tuyển của các đại học không khó khăn nhiều.
Tất nhiên, khi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường không tránh khỏi một thí sinh gửi nhiều hồ sơ nên chắc chắn hồ sơ xét tuyển có thể “ảo” hơn các năm vừa qua.
Nhưng kinh nghiệm các kỳ xét tuyển sau đó sẽ giúp các trường tuyển được số lượng thí sinh mong muốn.
Thêm nữa, việc công bố dữ liệu tại Hội đồng tuyển sinh đại học - cao đẳng của Bộ GD&ĐT, có thể chỉ là số hồ sơ đăng ký xét tuyển cũng sẽ giúp cho các trường, nhất là thí sinh có những thông tin trong việc chọn trường của mình.
Nhưng, để hướng tới độ tin cậy của một kỳ thi, có thể phải tính tới sự tham gia của công nghệ thông tin. Khi chúng ta đã chuẩn bị được những bài thi tổng hợp đánh giá năng lực thí sinh như ở các quốc gia tiên tiến (Hoa Kỳ, Anh…) thì việc tổ chức nhiều đợt thi và thi trên máy tính là hoàn toàn có thể và hy vọng, ngày ấy sẽ không xa.
“Quyết sách đã có, giờ là sự chuẩn bị. Phải khẩn trương và kiên quyết từ bộ máy lãnh đạo ngành và cả sự đồng thuận xã hội” - PGS Nguyễn Kim Hồng bày tỏ.