Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Lê Quang Trí tham gia một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH, ngành đào tạo tại Điều 9, đại biểu Lê Quang Trí cho rằng, việc xếp hạng cơ sở giáo dục đào tạo, ngành đào tạo là rất cần thiết, nhằm tạo động lực cho các cơ sở giáo dục ĐH phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học có thêm thông tin để chọn trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc xếp hạng trung thực, khách quan, minh bạch, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một khoản vào điều này, quy định về các tổ chức xếp hạng, như điều kiện thành lập, tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng, trách nhiệm và quyền hạng của tổ chức này,...
Vì nếu các tổ chức xếp hạng không trung thực, không khách quan sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ sở, tổ chức giáo dục ĐH, cũng như quyết định chọn trường của sinh viên.
Thứ 2, về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH tại Điều 11. Đại biểu Lê Quang Trí cho rằng, Luật cần quy định việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH phải phù hợp với mục tiêu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng và an ninh của đất nước.
Thứ 3, về chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục ĐH tại Điều 12, theo đại biểu Lê Quang Trí, các nội dung quy định trong điều này khá đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều nội dung quy định còn mang tính nguyên tắc, không giao cho cơ quan nào quy định chi tiết, như vậy khó triển khai.
Theo đại biểu, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, thiết kế lại theo hướng phân ra những nội dung nào Nhà nước có trách nhiệm ưu tiên đầu tư, những nội dung nào nhà nước khuyến khích đầu tư.
Cụ thể, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư vào các cơ sở đào tạo giáo viên, ưu tiên đầu tư cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số... Đối với nội dung Nhà nước khuyến khích đầu tư như giao đất, miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục ĐH.
Đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) |
Ngoài ra, trong điều này cần bổ sung chính sách để phát triển đội ngũ giảng viên, nâng cao trình độ chuyên môn cả về lý thuyết và thực tiễn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và lý luận chính trị.
Thứ 4, về chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh tại Điều 34, Đại biểu Lê Quang Trí thống nhất với quy định tại điểm b khoản 1 điều này, cụ thể: "Cơ sở giáo dục đại học tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh", quy định này phát huy tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học".
Tuy nhiên, để tránh tình trạng cử nhân kỹ sư tốt nghiệp ĐH thất nghiệp, cần quy định trách nhiệm của bộ ngành trong điều này. Trong đó, giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu dự báo nhu cầu lao động của thị trường trong từng lĩnh vực, yêu cầu về số lượng cũng như trình độ thời gian từ 4 đến 6 năm tới.
Giao Bộ GD&ĐT có trách nhiệm tổng hợp tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH đã báo cáo. Căn cứ nhu cầu lao động thị trường từ 4 đến 6 năm tới để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp, góp phần đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu của thị trường lao động…