Tôi thấy hầu hết kì cuộc nào bàn về học gì, học thế nào… mà tôi tham dự cũng giống như một cuộc đấu tranh giữa những ý kiến của cá nhân, và không bao giờ dứt cho đến khi một bên nào đó có quyền áp đặt kết luận. Thế nên nhiều người ra về mà ấm ức. Khi quyết định đó thể hiện sai lầm thì họ hả hê.
Thực tế và trải nghiệm
Thực ra ai cũng đúng cũng có lí do của nó. Vì sự trải nghiệm của bản thân chỉ cho phép họ rút ra một kinh nghiệm, một góc nhìn.
Trong khi các kết quả nghiên cứu xã hội học sẽ được công nhận trên diện rộng và thử nghiệm nhiều vòng.
Ví dụ, một vài ý kiến cho rằng nên dạy cái này bằng phương pháp kia cho học sinh là cần thiết… Nghe thì có vẻ đúng nhưng thực ra chưa chắc đã phù hợp.
Chẳng hạn:
Nên dạy tiếng Hán cho trẻ. Có phù hợp cho tất cả và bắt buộc phải biết trong thế giới mà tiếng Anh được coi là công cụ cho mọi người, những anh như Google giúp ta mọi lúc mọi nơi để tra cứu.
Dạy máy tính từ lớp 1. Thật đúng nếu ta thấy thời đại 4.0 sẽ là sự thật. Nhưng nếu chúng ta biết rằng thế hệ chúng ta đã thích nghi thế nào khi cầm trong tay smart phone, có
Internet,... hoặc rất nhiều nhà trường, gia đình đầu tư lãng phí hoặc thiếu thốn đủ đường chỉ vì cái máy tính mà bỏ qua những thứ cần thiết hơn.
Học Toán cho đúng là toán để phát triển tư duy. Nên chứ! Bởi chúng ta vì khổ học, học toàn cái khó mà kiên trì hơn, logic hơn,... nhưng nhiều đứa trẻ vì góc logic không nổi trội mà học Toán rất khổ, mất cơ hội để học những thứ khác phù hợp với chúng.
Trải nghiệm cho đến khi 12 tuổi, học nhẹ nhàng không áp lực thi cử, đủ để khám phá ra bản thân rồi vào chu trình học để thành công và làm chủ cuộc sống.
Thành công để hạnh phúc hay hạnh phúc để thành công vẫn là câu chuyện của mỗi người.
Học phù hợp với khả năng để trưởng thành tự chủ và có trách nhiệm mới quan trọng. Học cái gì có thể chỉ là công cụ thôi. Thay đổi nhận thức mới là quan trọng.
Học bắt buộc vừa phải thôi. Để người học có cơ hội tích lũy các GIÁ TRỊ không nằm ở kiến thức bắt buộc, mà thực ra rất bắt buộc, vì con người chúng ta sinh ra, tồn tại để “thích nghi” với cuộc sống – những thứ chưa thể được dạy. Sự trải nghiệm sẽ cho chúng ta thấy: “Nếu ai cũng đúng thì còn cần tới KHOA HỌC để làm gì!”.
Giáo dục cần trải nghiệm thế nào?
Các bạn giáo viên hỏi tôi: Làm thế nào để em có thể dạy học sinh thông qua trải nghiệm? Hoặc dạy trải nghiệm là như thế nào?
Phải khẳng định rằng, khi nào thầy cô có những thay đổi về nhận thức như sau thì chúng ta đã hiểu “dạy học trải nghiệm” có thể giúp học sinh có những thay đổi đáng kể về việc học:
- Chuyển từ dạy học “truyền thụ kiến thức” sang giúp học sinh “tự thực hiện hoạt động”, qua đó học sinh nắm được kiến thức, rèn kĩ năng.
- Chuyển từ “học sinh phải học” sang “học sinh tự hoạt động, tự học”
- Chuyển từ “giải toán là chính” sang “chơi với toán” bằng các mô hình, trò chơi toán học để phát triển năng lực toán học và các năng lực cốt lõi khác.
- Chuyển từ “chăm ngoan, làm theo hướng dẫn của giáo viên” sang “học sinh hứng thú, tự thực hiện”.
- Chuyển từ “tài liệu đóng: Chỉ có trong sách” sang “đọc và tra cứu tài liệu”, học liên tục cùng những người khác.
- Chuyển từ học sinh “ít tranh luận” sang “tranh luận và giải quyết vấn đề”
- Chuyển từ “giáo viên giảng giải, học sinh làm theo” sang “giáo viên tổ chức, giúp đỡ để học sinh tự thực hiện”.
- Chuyển từ “đáp án luôn đúng” sang “phản biện, đáp án mở”, có thể học từ sai lầm của người khác.
Bàn luận như vậy đã cho thấy giáo dục ngày này cần dựa trên trải nghiệm đến thế nào! Chúng ta biết đó, sự trải nghiệm sẽ cho chúng ta cách học phù hợp với từng người hơn, cụ thể là dựa trên kinh nghiệm, bối cảnh sống của người đó, mà sự tiếp thu, sự kiến tạo tri thức sẽ được tôn trọng.