Mâu thuẫn kinh tế không được phép làm ảnh hưởng đến trường học
Với tư cách là phụ huynh có con theo học ở Trường Pascal, quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
Tôi có hai con học ở trường, cháu đầu học khóa đầu tiên của trường. Ngoài tư cách phụ huynh, tôi còn là cố vấn GD cho trường trong việc tham gia thiết kế chương trình nhà trường và bồi dưỡng giáo viên. Khi tôi được biết những thông tin và tận mắt chứng kiến những đống cát, gạch to (cỡ 10 chuyến xe tải), những ổ khóa, dây xích chồng chồng lớp lớp lên những cánh cổng, tôi rất sốc, rất phẫn nộ.
Tôi không thể tin được lại có sự việc tồi tệ này, mà tôi gọi là một tội ác, có âm mưu lên các con tôi, các HS của nhà trường. Theo tôi, hành vi trên là sai trái, cả về phương diện pháp luật và đạo đức, cần được lên án và bắt buộc phải chấm dứt, bắt buộc người chủ mưu, người có liên quan phải chịu trách nhiệm.
Chúng ta chưa bàn đến câu chuyện đúng sai về mâu thuẫn tranh chấp của các chủ đầu tư (giữa Công ty TNHH Khai Phát và một đơn vị GD khác không phải là Trường TH-THCS Pascal, nhưng có thành viên giữ 8% cổ phần tại
Pascal), đứng ở tư cách là nhà nghiên cứu về GD, chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Tôi đồng ý là chúng ta cần bóc tách mâu thuẫn giữa Công ty TNHH Khai Phát và một thành viên nào đó trong Hội đồng quản trị TDS – công ty sở hữu Pascal với vấn đề này. Bởi mâu thuẫn đó là những mâu thuẫn kinh tế, giữa những cá nhân và không được phép làm ảnh hưởng đến trường học. Điều này pháp luật đã quy định rõ ràng.
Về vụ việc đổ gạch, cát vào sảnh trường tại Trường Tiểu học và THCS Pascal khiến hơn 1.000 HS trường này phải đi khai giảng nhờ vào sáng 5/9, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã làm việc với lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm, Phòng GD&ĐT quận này, cùng đại diện ban giám hiệu, phụ huynh Trường Tiểu học và THCS Pascal. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị UBND quận khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư để không xảy ra mâu thuẫn làm ảnh hưởng quyền lợi của HS.
Tôi quan tâm đến lợi ích của HS, sự an toàn của môi trường sư phạm. Chúng ta thấy rằng, những điều đó đang bị xâm hại nghiêm trọng mà không được bảo vệ. Tính nguy hiểm của nó quá cao. Chúng ta hãy hình dung, trong một nhà trường lại có thể ngang nhiên để những chiếc xe tải đổ đầy gạch cát, lại có những nhóm người mà văn hóa và hành vi không chuẩn mực xuất hiện. Sự việc này khiến tôi liên tưởng đến những sự việc như: Lái xe trong sân trường gây thương tích cho HS ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên, đến một kẻ nào đó đã xông vào trường trấn áp giáo viên…. ngày nào.
Hiện tại, chúng ta chỉ thấy gạch, thấy cát, thấy những băng rôn vô lí được căng lên. Các con tôi được nhà trường “giải thích” rằng đó là trường đang được sửa chữa. Nhưng tụi nhỏ đã biết đọc, tụi nhỏ được GD trung thực… Hãy nghĩ đến điều đó, chắc các bạn sẽ cũng như tôi, đủ run người vì sợ hãi. Và cả các giáo viên nữa, khi chứng kiến họ khóc vì bất lực, tôi không hiểu nổi tại sao lại có cơ sự như vậy. Chẳng lẽ chính quyền, chẳng lẽ chúng ta cứ để điều đó xảy ra mặc nhiên?
Sau những bức xúc khi môi trường học đường bị xâm hại, chị quan tâm đến điều gì?
Tôi quan tâm đến trách nhiệm của chủ đầu tư với nhà trường, mà cụ thể hơn là các HS, các phụ huynh và giáo viên, nhân viên. Tôi cần sự lên tiếng của những người trong cuộc.
Pháp luật của chúng ta quy định rất rõ quyền lợi và trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư GD. Nhưng ở đây, trong suốt một thời gian dài (tôi xin nói thêm, ngoài sự việc này, thì Khai Phát đã có nhiều hành vi gây xáo trộn, làm mất an toàn môi trường học tập như cắt điện, như khóa cổng, như treo băng rôn…), nhà trường đã nhiều lần phản ánh với cơ quan chức năng, nhưng sự việc vẫn tiếp diễn. Với tôi, cần xem xét lại tư cách của chủ đầu tư. Có hay không, tiền là điều kiện duy nhất để họ có thể trở thành nhà đầu tư GD? Chắc chắn là không rồi.
Không ai được xâm hại quyền đi học của trẻ
Có phải chăng, câu chuyện này không chỉ dừng lại ở mâu thuẫn hai bên mà là hồi chuông cảnh báo về việc đầu tư GD đang đi ngoài sự an toàn và quyền lợi của trẻ? Ý kiến của chị về vấn đề này như thế nào?
Ngày 5/9, tại buổi làm việc giữa đại diện Sở GD&ĐT TP Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm, các đơn vị liên quan cùng các bậc phụ huynh HS, đại diện lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm, tôi cũng có mặt trong suốt buổi làm việc đó. Chúng tôi chờ đợi nhà chức trách “cam kết”, đến bao giờ mới giải quyết dứt điểm, để trả lại ngôi trường cho HS. Nhưng không ai trả lời chúng tôi với từ “cam kết” cả.
Chiều 5/9, khi tôi rời trường, gạch đá vẫn ngổn ngang, cửa vẫn bị khóa (chưa nói đến lại thêm một cửa bị khóa). Câu chuyện đúng là đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về đầu tư GD, về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi trẻ em, phụ huynh HS và các giáo viên, nhân viên nhà trường. Có những lỏng lẻo trong quản lí, cấp phép, trong giám sát, trong chịu trách nhiệm. Không chỉ là thiếu cam kết, không chỉ là đảm bảo lời hứa với hơn 1.000 gia đình, hơn 1.000 đứa trẻ, mà đó là điển hình cho thấy các cơ quan chức năng đang hoặc thiếu công cụ hoặc đang làm chưa tốt trách nhiệm. Và nhất định phải xem xét lại tư cách của chủ đầu tư, của những người cung cấp dịch vụ, những người sở hữu cơ sở vật chất. Tôi nghĩ rằng, ngành GD không nên có những người đồng hành như vậy.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ |
Năm học mới đã đến, theo chị, chúng ta nên làm gì để đảm bảo quyền đi học của trẻ?
Quyền đi học của trẻ em là tối quan trọng, cần được đảm bảo tối đa. Không ai có quyền xâm hại vào quyền đó, không một ai được có hành vi làm mất an toàn hoặc ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Tôi kêu gọi các phụ huynh, cộng đồng tăng cường trách nhiệm đồng hành, giám sát nhà trường, giám sát việc học tập.
Chúng ta phải phòng chống để đảm bảo quyền học tập an toàn, trong yêu thương, trong trách nhiệm của trẻ. Chúng ta lên án, chúng ta không chấp nhận những hành vi xâm hại đến trẻ em. Nhà nước, các cơ quan chức năng cần nhận thức rõ điều này và hãy đặt nó lên nhiệm vụ ưu tiên trong mọi công vụ, đúng như cam kết của Nhà nước về quyền trẻ em, về những quy định rõ ràng của pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn chị!