Cách xử lý tình huống của bà mẹ Nhật Bản
Mẹ Ida và mẹ Sato là người Nhật Bản sống ở Trung Quốc. Năm nay Ida và Sato cùng lên 4 tuổi. Có lần hai bé đã đánh nhau vì tranh giành một món đồ chơi.
Một bé kéo tóc bạn còn bé kia thì túm cổ áo của bạn. Nhưng hai bà mẹ ngồi bên vẫn cười nói vui vẻ, hoàn toàn không có ý định ngăn cản hay khuyên can.
Một người ngoài đứng bên sốt ruột, lo lắng hỏi: “Hai chị không sợ các cháu đánh nhau bị thương sao?”
“Đó là chuyện của bọn trẻ, chúng sẽ tìm ra cách giải quyết. Nếu việc gì bố mẹ cũng giúp thì sau này, các con sẽ không biết ứng phó thế nào khi gặp nhiều khó khăn hơn.
Lúc nhỏ mà bố mẹ biết buông tay đúng mức để con tự ứng phó thì lớn lên các cháu sẽ càng tự lập.
Khi chưa thấy sẽ có chuyện ngoài ý muốn, bố mẹ Nhật Bản thường sẽ không nhúng tay vào chuyện của con trẻ.”
Cuối cùng Sato bị đánh bại nên phải chọn món đồ chơi khác, ngược lại Ida không có ai tranh với mình cũng thấy chán nên chủ động nhường đồ chơi lại cho bạn.
Cách xử lý tình huống phổ biến của bà mẹ Việt Nam hay Trung Quốc
Đương nhiên gặp tình huống con trẻ tranh đồ chơi, các bố mẹ có thể có rất nhiều cách ứng phó khác nhau. Nhưng tệ nhất vẫn là tình huống dưới đây.
Đó cũng là cách làm thiếu hiểu biết của rất nhiều gia đình. Chúng ta hãy cùng xem một ví dụ về hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam cũng như Trung Quốc này:
Nhà Tiểu Mộc có khách đến chơi, là anh họ 4 tuổi của cậu bé. Anh họ Tiểu Mộc thấy chiếc tàu hỏa trên nền nhà rất lạ liền ngồi xuống chơi.
Tiểu Mộc giằng lấy ôm khư khư, miệng lầm bầm: "Đây là đồ chơi của em. Anh không được chơi."
Vì anh họ nhỏ rất thích nên chẳng thèm nói gì lao vào tranh chiếc tàu hỏa của cậu bé. Mẹ Tiểu Mộc chứng kiến hành động đó của con trai có chút khó xử: "Đừng tranh nữa. Nhường anh đi con."
Tiểu Mộc không đồng ý, chị liền giằng tay con ra: "Sao lại keo kiệt thế? Nhường anh chơi một lát. Anh có mang về nhà đâu." Thấy mẹ giúp anh họ cướp đồ chơi của mình, Tiểu Mộc òa lên khóc.
Cùng phân tích và suy ngẫm
Có thể rất nhiều bà mẹ tán đồng cách làm của mẹ Tiểu Mộc. Con trẻ ích kỷ thì nên dạy dỗ như thế. Theo thống kê, tỷ lệ này lên đến 99%. Nhưng trên thực tế, con có thật sự ích kỷ?
Các cha mẹ nuôi con nhỏ đều biết, gần như bé nào cũng có đặc điểm kỳ lạ.
Đó là bình thường đồ chơi để bên có thể rất lâu không động tới nhưng nếu hôm nào đó có khách đến, khi đứa trẻ khác cũng muốn chơi thì sẽ xảy ra trận chiến tranh giành đồ chơi.
Trên thực tế, trẻ dưới 6 tuổi sẽ trải qua "thời kỳ nhạy cảm về quyền sở hữu". Ở giai đoạn này, chúng đều "dán nhãn" lên món đồ thuộc về mình.
Đây là đồ của mình. Ngày nào đó, quyền lợi "của mình" bị xâm phạm, đứa trẻ sẽ phản kháng để bảo vệ mọi quyền lợi của nó.
Giống như người lớn bảo vệ tài sản riêng của mình, quyền sở hữu của trẻ nhỏ cũng nên được tôn trọng.
Nếu bạn ép con chia sẻ hay tước đoạt đồ chơi của bé đưa cho đứa trẻ khác chơi thì sẽ dẫn đến hậu quả gì?
- Đầu tiên, con sẽ khóc òa lên vì ấm ức.
- Phân tích theo góc độ tâm lý học, trẻ sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng, sẽ vì chuyện bố mẹ không ủng hộ mà cảm thấy lòng tự trọng bị giảm xuống.
- Đến cả bố mẹ thường ngày yêu thương mình cũng "thiên vị" người khác, cảm giác an toàn trong lòng đứa trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Nếu bị người lớn đối xử như thế lâu dài, tính cách của trẻ cũng sẽ khá bạo lực nhưng đồng thời nội tâm lại tự ti.
Cách xử lý tình huống ưu việt
Làm cha mẹ, chúng ta cũng không nên vì bảo vệ quyền sở hữu của trẻ mà từ chối "chia sẻ", nhưng tôn trọng quyền sở hữu là tiền đề của chia sẻ. Khi gặp tình huống con trẻ tranh đồ chơi, chúng ta nên làm thế nào?
1. Trước tiên hỏi con một câu hỏi
"Đồ chơi này là của ai?" Câu hỏi này có thể giúp trẻ có được sự công nhận về "quyền sở hữu". Bé sẽ vui vì sự công nhận này của người lớn, sẽ giảm bớt cảm giác từ chối chia sẻ.
2. Hướng dẫn trẻ dưới tiền đề tôn trọng con
"Ừ, hóa ra chiếc tàu hỏa nhỏ này là của Tiểu Mộc. Em ấy có quyền quyết định chia sẻ hay không. Nếu cháu muốn chơi thì cần hỏi ý kiến của em trước."
Hoặc là nói: "Chia sẻ đồ chơi với bạn bè là một chuyện vô cùng vui vẻ. Tiểu Mộc có đồng ý cho anh họ chơi chung không?"
3. Luôn luôn tôn trọng quyết định của trẻ
Nếu con không đồng ý, kiên quyết tránh hành động cưỡng ép. Người lớn có thể phân tán sự chú ý của đứa trẻ không thể có được món đồ chơi kia: "Tàu hỏa là của Tiểu Mộc.
Cô không thể quyết định được nhưng cô cho cháu một chiếc kẹo, được không?" Rất nhiều lúc, những cuộc tranh giành như vậy lại được giải quyết theo cách này.
Nếu đồ chơi là của chung thì sao? Cũng có thể làm như thế này:
Hỏi xem ai sẽ chơi trước. Bắt trẻ tôn trọng nguyên tắc "Ai đến trước chơi trước, ai đến sau phải đợi".
"Vốn là Tiểu Mộc đến trước, cậu bé có quyền chơi trước. Anh họ cậu bé phải đợi một lát." Con sẽ cảm thấy được tôn trọng và dần dần sẽ hình thành thói quen "Ai đến trước được trước".
Ngược lại bố mẹ cũng phải coi trọng đứa trẻ "cam chịu".
Đứa trẻ "cam chịu" biểu hiện là khi bị cướp đồ chơi cũng không phản kháng.
Nhiều lúc, đó là vì những đứa trẻ này không có khái niệm "quyền sở hữu" với đồ chơi của mình hoặc là có khái niệm này nhưng sẽ không kiên trì đòi quyền lợi của nó.
Bạn có thể tưởng tượng một người bị cướp đồ trên phố nhưng không hề quan tâm không? Tính trách nhiệm và ý thức tự chủ của những đứa trẻ như vậy cũng kém hơn một chút.
Ứng phó với những đứa trẻ "cam chịu" thế nào?
Phụ huynh có thể tạo khu vực riêng cho trẻ để những thứ thuộc về con ở đó. Bình thường bạn còn phải chú ý khen ngợi cách nghĩ và nhu cầu độc lập của trẻ.
Quyết sách hay kế hoạch trong gia đình cũng nên cố gắng lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con, từ đó giúp trẻ dần dần hình thành ý thức tự chủ "của mình".
Thế nên bố mẹ đừng ngốc nghếch ép buộc con mình chia sẻ nữa. Trẻ có được sự tôn trọng về quyền sở hữu thì tính trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức tự chủ, lòng tự tin cũng sẽ khá tốt.