Nói không với dao kéo thẩm mỹ
Khoảng 22% phụ nữ Hàn Quốc (HQ) thú nhận họ từng làm đẹp bằng dao kéo (số liệu của Viện National Youth Police Institute). Có hơn phân nửa trong số người từng làm đẹp cho biết vẻ ngoài là phần quan trọng trong giao tiếp và sự thành công. “Kết quả là họ đầu tư nhiều thời gian, công sức, năng lượng và tiền để được đẹp hơn trước mắt đàn ông” - Lee nói. Nhưng đang có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức. Họ hưởng ứng phong trào nữ quyền “Hãy bỏ chiếc nịt ngực giả tạo”.
Tên của phong trào phát sinh từ cuộc chống đối cuộc thi Hoa hậu Mỹ quốc (Miss America) năm 1968, trong đó một số nhà hoạt động cho rằng cần vất bỏ nịt ngực, keo xịt tóc, lông mi giả, giày cao gót và các món phụ tùng khác được xem là biểu tượng của “áp bức” nữ giới. 50 năm sau đó, các phụ nữ trẻ HQ đẩy cuộc chống đối lên mức mới bằng cách đòi loại bỏ những sản phẩm trang điểm, làm đẹp. Họ cắt ngắn mái tóc, đưa những bức ảnh “trở về với tự nhiên, với những gì mình có” lên mạng xã hội và khuyến khích những người khác hành động tương tự.
“Về căn bản, phong trào ‘escape the corset’có thể xem là thách thức đối với xã hội bị thống trị bởi nam giới - Nữ giáo sư xã hội học Lee Na-young hiện giảng dạy tại Đại học Chung-Ang ở thủ đô Seoul nói - Phong trào này mang thông điệp bác bỏ những tiêu chuẩn đang tồn tại về cái đẹp và những bí ẩn vây quanh nó. Phụ nữ HQ đã đứng lên hưởng ứng phong trào bằng một ngày không làm việc vào đầu mỗi tháng. Họ kêu gọi đừng mua quần áo thời trang, sản phẩm làm đẹp, đừng trang điểm… Nói chung là tẩy chay tất cả những gì liên quan đến cái đẹp giả tạo và xa lánh kỹ nghệ làm đẹp sống nhờ nó”. Lee cho biết đã có nhiều phụ nữ làm đúng lời kêu gọi của phong trào. Họ không làm đẹp nữa khi ra đường và xiển dương chế độ “nữ quyền” trong cuộc sống hàng ngày.
Park Hye-ri, Kim Min-kyung và Oh Min-ji là thành viên Hội nữ quyền Đại học Sookmyung |
Phản ứng từ nam giới
Tuy nhiên các nhà hoạt động nữ quyền đang gặp sự chống trả quyết liệt của giới trẻ nam. Nhiều nam giới khẳng định các chuẩn mực về cái đẹp không hề thay đổi. Kỹ nghệ làm đẹp rất phấn khởi khi nghe tin vui này. Rất nhiều thanh niên muốn lấy vợ cao, đẹp và thời trang hơn là lấy vợ xấu! Trình độ học vấn và nghề nghiệp là thứ yếu.
“Điều đó cho thấy nếu muốn tạo ra sự thay đổi phụ nữ phải tác động vào tư duy của đàn ông trước đã. Công việc này phải bắt đầu ngay trong ngôi nhà của mình và tại nơi mình làm việc” - Lee nói. Trong một xã hội vẫn còn tính trọng nam sâu sắc, những phụ nữ không đáp ứng tiêu chuẩn đẹp của nam giới rất dễ bị gạt sang bên.
Tháng 11/2018, một chi nhánh của chuỗi cà phê Yogerpresso đã sa thải một nhân viên ngay trong ngày đầu tiên đến làm việc chỉ vì cô cắt tóc ngắn và không trang điểm! Hành vi này đã gây công phẫn dư luận khiến công ty phải xin lỗi và phải bồi thường. Vụ việc kết thúc ở đó và cô gái vẫn làm việc bình thường.
Ngoài cái đẹp, phụ nữ HQ còn lên tiếng về một số vấn đề khác. Ví dụ cuộc biểu tình diễn ra vào tháng 8/2018 tại Seoul của hàng chục ngàn phụ nữ chống dùng camera ghi hình lén dưới váy tại nơi công cộng với khẩu hiệu “Cuộc sống của tôi không phải là ảnh khiêu dâm cho các người!”. Cuộc biểu tình xảy ra khi Cảnh sát Quốc gia HQ cho biết năm 2017 họ nhận được hơn 6.000 báo cáo về các trường hợp quay phim lén dưới váy trong toilet, phòng thay đồ, tại hội nghị, lớp học, nơi làm việc và cả trong nhà. Con số này tăng mạnh so với 1.300 của năm 2011. Số video quay lén thường được đưa lên nhiều diễn đàn và trang web với tên giả như chiến lợi phẩm.
Phụ nữ HQ chống bạo lực giới tính và ghi ảnh lén phụ nữ |