Quy tắc ngầm giữa Israel - Hezbollah

GD&TĐ - Theo Al Jazeera, những quy tắc ngầm thiết lập hồi năm 1993 có thể giữ cho xung đột Israel - Hezbollah không leo thang thành cuộc chiến tổng lực.

Chiến binh Hezbollah với tên lửa phòng không do Iran sản xuất.
Chiến binh Hezbollah với tên lửa phòng không do Iran sản xuất.

Cùng với chiến sự tại Gaza do quân đội Israel (IDF) tiến hành nhằm đánh bại lực lượng Hamas, lực lượng Hezbollah ở Lebanon và IDF cũng giao tranh qua biên giới gần như mỗi ngày.

Hezbollah tuyên bố tập kích nhằm vào lãnh thổ Israel để thể hiện đoàn kết với Hamas và người dân tại Dải Gaza. Tình trạng bạo lực đã khiến hàng chục nghìn người ở cả hai bên phải sơ tán.

Các cuộc giao tranh tại biên giới Israel - Lebanon gần đây tiếp tục gia tăng. Hezbollah sử dụng vũ khí chính xác tập kích sâu trong lãnh thổ Israel.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Israel từng nhiều lần cảnh báo thủ đô Beirut của Lebanon có thể chung số phận với Gaza nếu Hezbollah mở mặt trận nhằm vào nước này.

Hồi đầu tháng 4, lực lượng IDF cho biết đã hoàn tất giai đoạn chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực ở biên giới với Lebanon. Nhưng theo giới chuyên gia, tình hình khó bùng nổ thành chiến tranh tổng lực.

Giữa Israel và Hezbollah có "những quy tắc ngầm" suốt gần ba thập kỷ qua. Hai bên hầu hết duy trì kiềm chế, nhưng không loại trừ hoàn toàn nguy cơ dẫn đến cuộc xung đột nghiêm trọng hơn.

Naim Qassem, phó lãnh đạo của Hezbollah từng đề cập đến "thỏa thuận ngầm" với Israel khi trả lời phỏng vấn NBC News tháng 5.

"Hezbollah sẽ không chấp nhận việc Israel vi phạm các quy tắc giao chiến đã thiết lập ở miền nam Lebanon. Nếu Israel tăng cường tập kích, chúng tôi cũng sẽ làm vậy", ông Qassem nói.

"Về phía mình, chúng tôi coi mức độ xung đột và hỏa lực sử dụng là đóng góp phù hợp để ủng hộ Gaza và người dân Palestine", lãnh đạo Qassem cho biết thêm.

Lực lượng IDF từng mở chiến dịch sâu vào lãnh thổ Lebanon để đối phó các tay súng Palestine ở nước này hồi thập niên 1970. IDF sau đó rút quân và thiết lập cái gọi là 'vùng đệm an ninh' rộng khoảng 20 km ở miền nam Lebanon năm 1985.

'Vùng đệm an ninh' được quân đội Israel tuần tra, nhằm đảm bảo các nhóm vũ trang ở Lebanon không tập kích vào khu vực biên giới.

Loạt diễn biến trên góp phần thúc đẩy sự hình thành Hezbollah, tiếng Arab nghĩa là "đảng của Thượng đế", đầu những năm 1980 với sự hỗ trợ từ Iran, nhằm đẩy lùi sự chiếm đóng của Israel và chống lại sự ảnh hưởng của phương Tây tại Trung Đông.

Khi cuộc nội chiến Lebanon 1975-1990 kết thúc, Hezbollah là nhóm vũ trang duy nhất không giải trừ vũ khí. Nhóm coi Israel là "kẻ thù không đội trời chung", liên tục tập kích vào các thị trấn biên giới của đối thủ.

Năm 1993, lực lượng IDF mở Chiến dịch Hạch tội, không kích và pháo kích vào miền nam Lebanon để đáp trả Hezbollah sát hại 5 binh sĩ nước này.

Chiến dịch khiến gần 120 người dân Lebanon thiệt mạng, hơn 500 người khác bị thương ở những mức độ khác nhau. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Warren Christopher làm trung gian để chấm dứt giao tranh.

Israel và Hezbollah đã đặt ra những quy tắc ngầm nhằm xuống thang căng thẳng. Israel chấp thuận không nhắm mục tiêu dân sự ở Lebanon, còn Hezbollah cam kết không tập kích Israel.

Quy tắc này là không chính thức, nhưng đã thiết lập tiền lệ quan trọng. Israel chấp nhận có sự phản kháng từ Hezbollah với sự chiếm đóng, nhưng phải nằm ngoài biên giới Israel.

Sau đó 3 năm, xung đột giữa Hezbollah và Israel lại bùng phát. Các quy tắc ngầm được chuyển thành dạng văn bản, trong Bản ghi nhớ về Ngừng bắn Israel - Lebanon.

Bản ghi nhớ không nhắc trực tiếp đến Hezbollah, chỉ nêu "các nhóm vũ trang Lebanon" không tập kích vào Israel, trong khi Israel "sẽ không khai hỏa bất kỳ loại vũ khí nào nhằm vào dân thường hay mục tiêu dân sự ở Lebanon".

Nhóm giám sát gồm đại diện từ 5 quốc gia Mỹ, Pháp, Syria, Israel và Lebanon được thành lập để theo dõi tình hình.

Những quy tắc đã thiết lập khuôn khổ cho xung đột giữa Lebanon và Israel cho đến khi Israel rút quân hoàn toàn khỏi nước láng giềng năm 2000. Hai bên liên lạc thường xuyên ngay cả khi vẫn giao chiến, đôi khi xin lỗi vì những hành động nhầm lẫn và thái quá.

Cuộc chiến năm 2006 đã cho cả hai bên thấy hậu quả khi vi phạm các quy tắc ngầm. Hezbollah đột kích xuyên biên giới khiến ba binh sĩ Israel thiệt mạng và bắt con tin. Israel mở chiến dịch trên bộ đáp trả gây hậu quả nặng nề.

Kể từ khi chiến sự Dải Gaza bùng phát, lực lượng Hezbollah đã tập kích Israel gần như hàng ngày. Website thống kê thương vong của quân đội Israel ghi nhận hàng chục người thiệt mạng vì rocket của Hezbollah.

Israel cũng đã sơ tán khoảng 60.000 người từ hơn 40 khu dân cư ở miền bắc nước này. Về phía Lebanon, khoảng 74.500 người phải di tản, theo Tổ chức Di cư Thế giới (IOM).

Giới quan sát cho rằng cuộc xung đột hạn chế của Hezbollah với Israel không chỉ nhằm thể hiện sự đoàn kết với Hamas.

Lina Khatib, Giám đốc Trung tâm Carnegie về Trung Đông, trụ sở Lebanon, nhận định: "Lực lượng Hezbollah hưởng lợi từ các quy tắc giao chiến.

Chúng cho phép Hezbollah thể hiện mình là một lực lượng kháng chiến, trong khi tránh được một cuộc chiến toàn diện với Israel, diễn biến sẽ ảnh hưởng đến vị thế của nhóm ở Lebanon và Syria".

Trong khi đó, Matthew Levitt, chuyên gia về các nhóm Hồi giáo tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, trụ sở Mỹ nói, việc Hezbollah thách thức Israel và vẫn trụ vững còn khiến hình ảnh mạnh mẽ của Tel Aviv trên trường quốc tế bị tổn hại.

"Những quy tắc, dù mơ hồ và không nhất quán, giúp họ đạt mục đích với cái giá kiểm soát được. Hezbollah không cần phải chiếm một ngọn đồi rồi cố thủ.

Lực lượng này không cần phải cho nổ tung một căn cứ. Cuối cùng, họ vẫn có thể tuyên bố chiến thắng, vì không bị đánh bại", học giả Matthew Levitt nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.