Thiệt hại lớn nhất
Tờ Times of Israel dẫn tuyên bố của IDF cho biết, vụ việc xảy ra rạng sáng 15/6 trong chiến dịch tại thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza khiến 8 quân nhân IDF thiệt mạng.
Một trong 8 người thiệt mạng là Đại úy Wassem Mahmoud, đại đội phó thuộc Tiểu đoàn công binh 601, danh tính những quân nhân còn lại chưa được công bố.
Cùng với thông tin của IDF về vụ tấn công, lực lượng Hamas cũng tuyên bố đã phục kích một xe thiết giáp chở quân Israel ở phía tây thành phố Rafah, khiến nhiều binh sĩ Israel thiệt mạng và bị thương.
Đây là vụ việc đẫm máu nhất với IDF trong chiến dịch tại Dải Gaza kể từ tháng 1, sau khi Hamas dùng súng chống tăng đánh sập hai tòa nhà và khiến 21 quân nhân thiệt mạng. Vụ nổ nâng tổng số binh sĩ Israel thiệt mạng trong chiến dịch tấn công Dải Gaza lên 307.
Cũng theo báo Israel, chiếc Namer CEV bị tấn công nằm trong đoàn xe trở về điểm tập kết, vốn là các tòa nhà IDF mới kiểm soát tại Rafah, sau chiến dịch tiến công trong đêm 14/6.
Vụ nổ lớn bùng lên trong quá trình này, chưa rõ là do bom cài trên đường từ trước hay các tay súng Hamas áp sát để gắn khối nổ tự chế lên thân xe. Không có tiếng súng khi xảy ra sự việc, xe thiết giáp Israel cũng liên tục di chuyển trước khi bị tập kích.
Xe chiến đấu chở quân Namer được Cục quân khí Bộ Quốc phòng Israel phát triển trên khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava Mark 4.
Thiết kế của Namer ưu tiên bảo vệ binh sĩ và đề cao khả năng sửa chữa nhanh chóng, sử dụng các khối giáp dạng module dễ dàng tháo lắp và thay thế, giáp bụng hình chữ V để hạn chế thiệt hại do mìn.
Namer được lắp giáp phức hợp bí mật gồm nhiều lớp gốm và hợp kim thép - nickel, kết hợp giáp phản ứng nổ ở mặt ngoài. Các khối giáp có độ nghiêng lớn, tăng khả năng làm chệch hướng đạn xuyên giáp hoặc nổ lõm khi trúng đạn.
Biến thể Namer CEV được trang bị cho IDF từ cuối năm 2016, bổ sung nhiều thiết bị phục vụ hoạt động của công binh, trong đó có rocket phá bãi mìn CARPET, đồng thời vẫn giữ nguyên khả năng phòng vệ của mẫu Namer nguyên bản.
Thách thức
Đánh giá về vụ chiếc Namer CEV bị phá hủy tại Rafah, chuyên gia Aaron David Miller tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington cho biết, thành phố này từ lâu đã là một thách thức với lực lượng IDF.
Học giả này chỉ ra rằng, muốn kiểm soát toàn bộ thành phố, IDF phải chiến đấu giữa đô thị đông đúc, nơi Hamas có mạng lưới đường hầm rộng lớn bám sâu vào cơ sở hạ tầng dân sự.
Hiện nay, 4 tiểu đoàn Hamas vẫn bám trụ ở Rafah, cùng với hàng nghìn tay súng khác chạy đến đây từ miền bắc và miền trung Gaza sau khi quân đội Israel tiến vào dải đất. Họ đang ẩn náu trong một thành phố với hơn một triệu dân thường Palestine.
"Rafah là mô hình thu nhỏ của mọi thách thức, rủi ro và biến cố có thể xảy ra với Israel xuyên suốt cuộc xung đột", học giả Miller nói.
Về chiến thuật, chiến dịch tại Rafah sẽ phải khác với hai cuộc tấn công của Israel ở Gaza City và Khan Younis, hai thành phố chính khác tại Dải Gaza.
Ở Gaza City, Israel phụ thuộc rất nhiều vào chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt các tiểu đoàn Hamas trong thành phố. Cách làm này giúp bảo vệ mạng sống cho binh lính Israel, nhưng phải trả giá bằng thương vong lớn với dân thường.
Israel tuyên bố muốn tấn công có chọn lọc hơn khi tiến vào Khan Younis ở phía nam Dải Gaza, song họ vẫn khiến phần lớn thành phố bị phá hủy.
Vì vậy, chiến dịch tấn công Rafah là hoạt động quân sự mà Israel phải tính toán chi tiết nhất, do hiện diện của quá nhiều dân thường, áp lực quốc tế gay gắt và nguy cơ các con tin thiệt mạng.
"Đó không thể là một chiến dịch suôn sẻ. Cho dù IDF có áp dụng biện pháp phòng ngừa nào đi chăng nữa, thiệt hại với IDF và dân thường với số lượng không nhỏ là điều rất khó tránh", chuyên gia Aaron David Miller nói.