Quy hoạch tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội): Đô thị bị 'băm nát' qua… điều chỉnh?

GD&TĐ -Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quy hoạch, quản lý tại hầu hết công trình thuộc trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Tuy nhiên, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc kết luận nhà cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng.

Nhiều dự án, công trình ở khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu bị điều chỉnh sai quy định. Ảnh: Lê Quân
Nhiều dự án, công trình ở khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu bị điều chỉnh sai quy định. Ảnh: Lê Quân

Phù hợp với quy hoạch?

UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội thành phố trong quý II/2022.

Đáng chú ý, tại buổi họp báo lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã làm rõ thông tin có hay không việc để xảy ra sai phạm trong việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu khiến dư luận “dậy sóng” trong thời gian qua.

Cụ thể, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Phạm Quốc Tuyến cho biết, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng.

Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố và phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND thành phố đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây.

Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Mặt khác, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt các chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu. Như vậy, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt.

Bên cạnh đó, với định hướng quy hoạch phân khu, việc UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết năm 2016 cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung nhà cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố qua các thời kỳ. Đồng thời phù hợp định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Do đó, việc kết luận nhà cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng.

Về điều kiện điều chỉnh quy hoạch được quy định tại Điều 26 Luật Xây dựng 2003, Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị. Trục Lê Văn Lương phê duyệt quy hoạch năm 2002, năm 2008 hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc khiến thay đổi địa giới hành chính và kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (thay thế Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/8/1998).

Thực hiện việc “giải cứu” thị trường bất động sản theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, điều chỉnh phục vụ đấu giá, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008 ban hành thay thế Quy chuẩn xây dựng 1997, đối chiếu với quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, việc điều chỉnh quy hoạch tại khu vực tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu - Thanh Bình là đảm bảo phù hợp.

Do vậy, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là chưa áp dụng đúng quy định Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, các quy định liên quan khác, chưa tính đến các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong suốt giai đoạn này.

Kiến nghị phản hồi Thanh tra Bộ

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 177.464 tỷ đồng (bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021); chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30.527 tỷ đồng (bằng 102,8%). Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II ước tăng 9,49%, cao hơn 1,4 lần so với kế hoạch đề ra từ đầu năm (6,4 - 6,9%); lũy kế 6 tháng GRDP tăng 7,79%, gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%).

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Phạm Quốc Tuyến cho biết thêm, theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần.

Đối chiếu với quy định Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị (tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó sẽ phê duyệt điều chỉnh…), Thanh tra Bộ Xây dựng xác định các lần điều chỉnh là chưa chính xác.

Hiện, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng.

Đối với các nội dung Kết luận còn chưa thống nhất, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội, cơ quan liên quan và có kiến nghị gửi Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày theo đúng quy định của Luật Thanh tra.

Trước đó, Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ, hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu…

Cụ thể, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hàng chục tòa chung cư cao tầng đã mọc ven con đường Lê Văn Lương - Tố Hữu khiến tuyến giao thông huyết mạch đi qua hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy luôn bị ùn tắc và thiếu không gian sống trầm trọng.

Trong suốt thời gian dài, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, Sở Xây dựng, UBND cấp quận… đã tiến hành cấp phép xây dựng ồ ạt, có dấu hiệu buông lỏng quản lý xây dựng, góp phần “băm nát” quy hoạch tuyến đường này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ