Quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học

(GD&TĐ) - Với quyết tâm cao và nhiều nỗ lực, Thái Bình đã chuyển đổi xong 287 trường Mầm non bán công sang công lập. Số điểm trường lẻ giảm nhanh từ 881 (năm học 2009-2010) xuống còn 682 (tháng 5/2013) để phù hợp với tiêu chí mỗi trường Mầm non có từ 1 - 3 điểm trường.

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, quy mô trường lớp dàn trải, cơ sở vật chất, thiết bị của các nhà trường thiếu thốn, nhiều trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, các phòng chức năng, sân chơi bãi tập... nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục toàn diện.

Những năm gần đây, số trẻ em có xu hướng giảm dần nhờ kết quả thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, dẫn đến quy mô các trường học ngày càng nhỏ, trường có ít lớp, lớp có ít học sinh đã gây khó khăn trong việc bố trí đội ngũ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Nếu cứ duy trì quy mô các trường nhỏ lẻ, dàn trải thì việc quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, khắc phục tình trạng giáo viên dạy chéo ban, chéo môn ở cấp trung học khó thực hiện.

Đứng trước thực tế đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2009 Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trình HĐND tỉnh và đã được thông qua (UBND tỉnh đã có quyết định số 1708/QĐ-UBND ngày 9/7/2009).

Sau khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, ngành Giáo dục & Đào tạo đã tích cực tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền ban hành các chủ trương chính sách về xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trường học theo hướng kiến cố hóa - hiện đại hóa gắn liền với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học.

Với quyết tâm cao và nhiều nỗ lực, đến nay Thái Bình đã chuyển đổi xong 287 trường Mầm non bán công sang công lập. Số điểm trường lẻ giảm nhanh từ 881 (năm học 2009 - 2010) xuống còn 682 (tháng 5/2013) để phù hợp với tiêu chí mỗi trường Mầm non có từ 1 đến 3 điểm trường.

Cấp Tiểu học toàn tỉnh hiện có 293 trường tiểu học và 12 điểm trường lẻ. Cấp THCS hiện có 257 trường theo quy mô xã, 15 trường theo quy mô liên xã, các trường THCS liên xã đã thể hiện ưu thế vượt trội của mô hình này.

Năm học 2013 - 2014 tới, dự kiến thành lập thêm 14 trường THCS liên xã, giảm số lượng trường THCS từ 272 xuống còn 241 trường. Cấp THPT tổng số có 40 trường, trong đó có 29 trường công lập và đã chuyển đổi được 6 trường bán công sang tư thục, 2 trường bán công sang công lập.

Ngành học Giáo dục thường xuyên đã hoàn thành việc sáp nhập TTKTTHHN vào TTGDTX, hiện toàn tỉnh có 11 TTGDTX-HN trong đó 10 TTGDTX-HN cấp huyện, 01 TTGDTX cấp tỉnh. Giáo dục chuyên nghiệp, đã hoàn thành việc nâng cấp Cao đẳng KT-KT lên thành trường đại học, sáp nhập trường Trung cấp Sư phạm Mầm non vào trường Cao đẳng Sư phạm.

Trên cơ sở mạng lưới trường lớp đã được quy hoạch hợp lý, toàn ngành tập trung quan tâm nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, trong đó đặc biệt ưu tiên cho phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học. 

Đối với bậc học Mầm non: ngay sau khi có Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, trình UBND tỉnh ra Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 24/3/2011 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Thái Bình đến năm 2015.

Tích cực chỉ đạo các huyện, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch của đơn vị. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác PCGDMNTNT, đặc biệt là chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên MN.

Để  phục vụ  cho công tác này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tới đội ngũ giáo viên cốt cán của toàn bậc học. Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện từng nội dung trong quy trình làm phổ cập cho 100% cán bộ giáo viên tại địa bàn. Sau khi thực hiện tốt việc điều tra số lượng trẻ em trong độ tuổi, lấy đó làm căn cứ giao kế hoạch thực hiện cho từng đơn vị trường học.

Tháng 12/2012, Thái Bình đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Hiện nay và những năm tiếp theo, chúng tôi tích cực duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phấn đấu dần từng bước để tiếp tục đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em các độ tuổi 3 và 4 tuổi.

Đối với cấp Tiểu học: Năm 1989 Thái Bình đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ (PCGDTH-CMC). Tháng 11/1990 Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định công nhận Thái Bình đạt Chuẩn quốc gia về PCGDTH-CMC.

Ngay sau đó Thái Bình đã hướng tới mục tiêu thực hiện PCGDTH đúng độ tuổi. Năm 1999 cùng với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, tỉnh Thái Bình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGDTH đúng độ tuổi.

Ngày 4/12/2009 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 36/2009/TT-BGDĐT về Quy định kiểm tra, công nhận Phổ cập giáo dục tiểu học và Phổ cập GDTH ĐĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và chuyên viên các huyện, thành phố và chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho Ban chỉ đạo các cấp, triển khai, tập huấn cho các đơn vị cơ sở nắm vững nội dung Quy định, kiểm tra, công nhận PCGDTH ĐĐT theo Thông tư mới và bộ công cụ thống kê kết quả PCGDTH ĐĐT do Vụ Giáo dục Tiểu học hướng dẫn triển khai; bổ sung và tiếp tục thực hiện “Quy trình làm phổ cập khép kín theo thời gian và khép kín theo công việc”.

Sở đã quy định thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh bộ hồ sơ phổ cập của mỗi đơn vị cơ sở. Qua kiểm tra hàng năm, các đơn vị đã triển khai nghiêm túc các quy định giúp cho việc theo dõi, tra cứu, đối chiếu các tiêu chuẩn được thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ PCGDTH.

Công tác giáo dục học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được toàn ngành tập trung chỉ đạo và thực hiện rất hiệu quả. Phong trào “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu từ một học sinh có hoàn cảnh khó khăn trở lên” được toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên tiểu học trong tỉnh hưởng ứng và quyết tâm thực hiện.

Hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn được các nhà trường, các thầy cô hỗ trợ về vật chất, miễn các khoản đóng góp, được tặng sổ bảo hiểm, sách vở, dụng cụ học tập… giúp các em giảm bớt khó khăn tích cực đến trường.

Cùng với các hoạt động trên, ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, ưu tiên đầu tư các nguồn lực để xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường; làm tốt công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hoá giáo dục.

Chính vì vậy, công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Tính đến cuối năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh đã có 285 trường tiểu học đạt chuẩn QG mức độ 1, đạt 97,26%, trong đó có 81 trường tiểu học đạt chuẩn QG mức độ 2, đạt 27,6%.

Đội ngũ giáo viên tiểu học đảm bảo đủ về số lượng, hợp lí về cơ cấu và chất lượng ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 6778 GV tiểu học, đạt tỷ lệ 1,66 giáo viên/lớp gồm đủ giáo viên dạy các môn văn hoá và các môn chuyên (Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật, Tiếng Anh … ) theo quy định. Trình độ đào tạo của giáo viên đạt chuẩn 100%, trong đó có 93% đạt trình độ đào tạo trên chuẩn.

Năm 2011 tỉnh Thái Bình là tỉnh đầu tiên được Bộ GDĐT kiểm tra và công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGDTH ĐĐT mức độ 2 (năm 2012 công nhận thêm 3 tỉnh: Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương). Đây là kết quả của quá trình phấn đấu bền bỉ, thường xuyên, liên tục trong suốt mấy chục năm qua của toàn Đảng, toàn dân Thái Bình trong đó ngành giáo dục là lực lượng chủ đạo, nòng cốt. PCGDTH ĐĐT là hướng đến một kết quả giáo dục bền vững, vì vậy duy trì, phát huy và nâng cao chất lượng PCGD luôn là mục tiêu phấn đấu của giáo dục và đào tạo Thái Bình.

Những kiến nghị của Sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh Thái Bình:

1. Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo.

2. Đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu để bổ sung, điều chỉnh Thông tư 35 về định biên giáo viên các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày cho phù hợp với thực tế.

3. Hiện nay, nhiều địa phương có những hoạt động giáo dục rất mới, rất hiệu quả, đề nghị Bộ GDĐT tổ chức các hội nghị, hội thảo điển hình tiên tiến, giới thiệu mô hình mới để các địa phương được chia sẻ, trao đổi và học tập kinh nghiệm./.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ