(GD&TĐ) - Bộ GD-ĐT vừa quyết định dừng tuyển sinh 161 chuyên ngành thạc sĩ của 41 cơ sở đào tạo từ năm 2013 do "không đáp ứng yêu cầu như quy định về điều kiện được xem xét để cấp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ". Trao đổi với báo giới, ông Bùi Anh Tuấn- Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, những chương trình bị đình chỉ tuyển sinh mới chỉ xét trên phương diện điều kiện đội ngũ giảng viên, các yêu cầu về cơ sở vật chất, về diện tích sàn sẽ tiếp tục được kiểm tra trong thời gian tới với các chương trình đào tạo sau ĐH.
Nói như vậy cũng có nghĩa rằng trong thời gian tới, các chương trình đào tạo thạc sĩ sẽ tiếp tục bị đóng cửa với số lượng không hề nhỏ. Điều đáng buồn là trong 41 cơ sở đào tạo vi phạm, rất nhiều trường thuộc khối các trường ĐH, học viện xếp vào hàng "đầu não" trong hệ thống GD-ĐT của nước nhà như Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Khoa học xã hội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Huế, ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Dược Hà Nội, ĐHSP Hà Nội, ĐHSP TP Hồ Chí Minh...
Ảnh minh họa (gdtd.vn) |
Những năm gần đây, người ta thường truyền tụng nhau câu cửa miệng rằng "dễ như đi học thạc sĩ". Quả là đi học thạc sĩ dễ thật, dễ từ thi đầu vào đến thi đầu ra. Cửa ải "gai" nhất với các thạc sĩ tương lai là môn ngoại ngữ, tuy nhiên, công tác thi cử ở không ít các cơ sở đào tạo lại "hết sức hài hòa" với tinh thần "đừng để thí sinh cao học bị trượt". Thí sinh dự thi cao học mà bị trượt thì "nồi cơm" của các cơ sở đào tạo mà cụ thể là của các thầy bị vơi đi. Trong bối cảnh đâu đâu cũng "khát" học viên, cơ sở đào tạo càng "nới" đầu vào, càng thu hút được đông học viên và như vậy họ càng có lợi.
Không chỉ ở khâu tuyển sinh, công tác đào tạo cao học ở không ít các trường ĐH, học viện cũng là chuyện phải bàn. Chương trình đào tạo thạc sĩ nghe có vẻ quy mô (từ 30-55 tín chỉ tùy thuộc từng chuyên ngành) nhưng lại nặng về "học" hơn là "hành". Đã thế, chương trình thạc sĩ của không ít các trường ĐH, học viện được đào tạo theo hệ hàm thụ nên không tránh khỏi "lối mòn" bớt xén giờ học. Thực tế cho thấy, không ít thạc sĩ không có khả năng nghiên cứu khoa học độc lập, nếu không muốn nói là kém về trình độ chuyên môn so với cả... cử nhân. Rất đơn giản, nếu một người tốt nghiệp ĐH ngành này lại bảo vệ thạc sĩ ở ngành khác thì trong khoảng thời gian 2 năm chưa chắc đã lĩnh hội được hết những kiến thức cơ bản của chuyên ngành mới, nói gì đến chuyện nâng cao. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, giảng viên có bằng tiến sĩ được hướng dẫn tối đa 3 học viên thạc sĩ trong cùng thời gian, kể cả học viên của cơ sở đào tạo khác, Tuy nhiên, trên thực tế, các giảng viên có trình độ tiến sĩ đa phần đều hướng dẫn "vượt chỉ tiêu".
Chất lượng luận văn thạc sĩ cũng là chuyện cần bàn. Chưa nói đến chuyện công nghệ "xào nấu" vốn đang khá thịnh hành hiện nay, một giảng viên tiến sĩ đồng thời hướng dẫn cả chục học viên cao học thì khó có thể nói đến chất lượng của các đề tài luận văn tốt nghiệp.
Thực tế ở nước ta trong thời gian qua, những trường hợp theo học thạc sĩ như đã nói ở trên chiếm một con số không hề nhỏ. Với một chương trình đào tạo mang tính nền tảng cho đào tạo tiến sĩ như vậy là khó có thể chấp nhận được.
Những năm gần đây, xu hướng đổ xô đi học cao học ngày một mạnh lên. Học cao học để tìm kiếm vận may thăng quan, tiến chức, thậm chí có khi chỉ để...xin việc làm!? Nhu cầu đi học cao học càng cao thì quy mô đào tạo sau ĐH của các trường ĐH, các học viện càng lớn mạnh. Chỉ tính riêng năm 2011, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ của ĐH Quốc gia Hà Nội đã lên đến 4000 học viên, trong khi chỉ tiêu đào tạo ĐH chỉ ở mức khoảng 5500 sinh viên.
Trong bối cảnh nhiều cơ sở đào tạo thiếu giảng viên hướng dẫn trầm trọng, cơ sở vật chất và thiết bị dành cho giảng dạy nghèo nàn, chất lượng đào tạo ở bậc học này đang có chiều hướng đi xuống là điều dễ hiểu. Không thể để tình trạng này tiếp tục kéo dài. Quyết định đình chỉ 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ của Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dư luận xã hội. Quý hồ tinh, bất quý hồ đa, thà ít mà tốt còn hơn đào tạo tràn lan để cuối cùng...không biết làm gì!
Thụy Anh