Khảo sát về pháp luật nước ta thời xưa, cuốn “Việt kiệu thư”, do Lý Văn Phượng biên soạn thời Gia Tĩnh đời Minh, trong đó tập hợp mọi vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị, phong tục ở An Nam từ thời Hồ về trước, phần “Hình chính”, có nói qua về vấn đề luật pháp nước ta thời Lý, Trần như sau: “Bắt được kẻ gian dâm được tự ý giết chết. Đời gần đây mới cho gian phu dùng số tiền là 300 quan để chuộc tội chết. Phạm tội giết người có quan tước, sẽ xét theo chức quan cao hay thấp mà đền tiền chuộc tội, đánh vào lưng tám mươi trượng...”.
Về tội phạm tham ô, chuyện nước ta, sử sách có chép một trường hợp nộp tiền chuộc tội vào thời Lê sơ thời Lê Thánh Tông, có viên quan là Lê Bô phạm tội tham ô bị buộc vào tội “Hình”, có viên quan là Trần Phong xin cho Lê Bô nộp tiền chuộc tội thay vì phải chịu “Hình”. Tuy nhiên, vua Lê Thánh Tông cho rằng, nếu cứ phạm tội rồi dùng tiền chuộc tội thì người giàu có sẽ không phải chịu tội, chỉ còn người nghèo khó thì phải chịu tội hay sao? Vua cho rằng, Trần Phong đề xuất như thế là trái với tổ tông và trị tội cả ông ta.
Trong bộ hình luật thời Lê còn lại đến ngày nay, là bộ “Quốc triều hình luật”, hay còn được gọi là Luật Hồng Đức vì được ban hành giai đoạn niên hiệu Hồng Đức dưới thời vua Lê Thánh Tông, có quy định rõ từng loại người và loại tội được chuộc tội bằng tiền, trong đó phân ra 3 trường hợp.
Thứ nhất, các quan có trách nhiệm cai quản viên chức hay quân dân mà phạm tội do sơ lỡ, sai lầm, thì từ tội “lưu” (đi đày) trở xuống cho được chuộc tội bằng tiền (tức là trừ khi phạm vào tội thập ác, tức các trọng tội) (điều 14).
Thứ hai, người 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và người tàn tật mà phạm tội lưu trở xuống thì cho chuộc tội bằng tiền (điều 16).
Thứ ba, người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và người tàn tật nặng (như điên cuồng, rồ dại, cụt cả tay chân, mù cả hai mắt) mà phạm tội phản nghịch, giết người, đáng xử tử thì phải tâu thỉnh lên vua để vua quyết có cho chuộc hay không. Những người ấy phạm tội ăn trộm hay đánh người bị thương thì cũng cho chuộc bằng tiền (điều 16).
Như vậy, các quy định nộp tiền chuộc tội của hình luật triều Lê thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, qua các hình thức khoan hồng đối với người phạm tội là người già, người tàn tật và trẻ em cũng như đối với người phạm tội tuy chưa bị phát giác đã tự thú. Tuy nhiên, các phạm nhân phạm tội thập ác sẽ không được hưởng nguyên tắc chiếu cố này.
Ngoài ra trong điều 6 có quy định những người thân thuộc về nghị thân mà phạm tội thì họ tôn thất, họ hoàng thái hậu đều được miễn, những tội đánh roi, đánh trượng, thích chữ vào mặt họ hoàng hậu thì được chuộc tội bằng tiền.
Mức tiền chuộc được quy định trong bộ hình luật triều Lê như sau: Giới quan viên khi phạm từ tội lưu trở xuống cũng được chuộc tội bằng tiền. Mức độ tiền chuộc được xác định tùy thuộc vào phẩm trật của người phạm tội, vì triều đình phong kiến quan niệm người có quan tước phải chịu trách nhiệm cao hơn dân thường, chức tước càng cao tiền chuộc càng lớn. Chẳng hạn, để tránh bị thích chữ vào mặt hoặc cổ, các quan có thể chuộc tiền mỗi chữ như sau: Tam phẩm chuộc hai quan, tứ phẩm một quan năm tiền, ngũ phẩm một quan, lục phẩm bảy tiền, thất phẩm sáu tiền... (điều 24).
Điều 21, tiền chuộc bị xử đánh trượng – mỗi trượng quan tam phẩm thì phải chuộc 5 tiền, tứ phẩm 4 tiền, ngũ phẩm, lục phẩm 3 tiền, thất phẩm, bát phẩm 2 tiền, cửu phẩm, thứ dân 1 tiền. Điều 22, tiền chuộc tội biếm mỗi hạng, quan nhất phẩm phải chuộc 100 quan, nhị phẩm 75 quan, tam phẩm 50 quan, tứ phẩm 30 quan, ngũ phẩm 25 quan, lục thất phẩm 20 quan, bát cửu phẩm 15 quan, dân đinh, nô tỳ 10 quan.
Còn các quan được tập ấm mà chưa có tước phẩm gì thì cũng được ấm lệ mà giảm 1 bậc. Những kẻ hiện bị tội bắt làm khao đinh tang thất phụ mà trước đã đồ, làm nô tỳ phạt tiền 30 quan, tiền chuộc cũng thế. Bị tội bắt làm tượng phường binh chuộc 60 quan, chủng điền binh 100 quan, bị đày đi châu gần 130 quan, châu ngoài 200 quan, châu xa 230 quan, tử tội 330 quan (đàn bà phạm tội thì tiền chuộc cũng vậy).
Hình luật thời Nguyễn, tức bộ “Hoàng Việt luật lệ”, hay gọi là Luật Gia Long, điều 17 phần danh lệ quyển 2 cũng kế thừa các tính chất của luật triều Lê, với quy định: Nếu phạm nhân có ông bà nội, cha mẹ già trên 70 tuổi hay tàn tật (bại liệt nặng) cần được săn sóc mà trong gia đình y không còn ai trưởng thành (từ 16 tuổi trở lên), nghĩa là không khác gì con trai duy nhất; bị phạm tội đồ, lưu thì xử 100 trượng, tội con thừa thì cho nhận tiền chuộc, cho ở nhà nuôi dưỡng cha mẹ (quân nhân phạm tội cũng vậy).
Điều 261 của Luật Gia Long về tội “Vô ý giết người” (thất sát), phạm nhân bị phạt tội giảo (thắt cổ), nhưng được chuộc tội và tiền chuộc này được giao cho gia đình của nạn nhân để làm tiền mai táng.
Các quy định khác trong Luật Gia Long, giống như Luật Hồng Đức cũng cho chuộc tội đối với tất cả các hình phạt theo trong bảng ngũ hình gồm: Xuy (đánh bằng roi), trượng (đánh bằng gậy), đồ (phải thực hiện công việc phục dịch), lưu (đày đi nơi xa), tử (xử tử). Luật này có quy định rõ về từng trường hợp mà phạm nhân phải chịu thụ hình một phần trong hình phạt và chỉ được phép chuộc tội phần còn lại.
Tuy nhiên, luật chỉ cho chuộc tiền với các “tội tạp phạm”, nghĩa là những tội vô ý hay bất hạnh xảy ra, hoặc do người khác gây ra mà can phạm phải chịu tội lây, hoặc do các người già cả, trẻ con, phế tật, người xem thiên văn, các người đàn bà có tài sản, hay vợ của quan chức gây nên. Các tội “thập ác”, các tội dẫu gặp ân xá cũng không được tha, các tội hối lộ, thông gian, ăn trộm, ăn cắp, giết người... đều không được áp dụng chuộc tội bằng tiền.