Theo Thông tư 28/2023 do Bộ GD&ĐT mới ban hành, các cơ sở đào tạo không được đào tạo từ xa các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên. Các chuyên gia nhận định, quy định này hợp lý và cần thiết.
Bảo đảm chất lượng
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 28/2023/TT-BGDĐT, kèm quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/2, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sau ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.
Theo Thông tư 28, đào tạo từ xa được xác định là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa mạng máy tính và viễn thông, thư tín, phát thanh - truyền hình.
Chương trình đào tạo từ xa là chương trình đang áp dụng cho hình thức chính quy ngành đào tạo tương ứng của cơ sở đào tạo, được điều chỉnh và mô tả cụ thể trong đề cương chi tiết của mỗi học phần cho phù hợp với hình thức đào tạo về phương pháp, thời lượng dạy - học, học liệu, đánh giá kết quả học tập; trong đó yêu cầu sử dụng chủ yếu phương thức mạng máy tính và viễn thông.
Điểm mới của Thông tư 28 so với Thông tư 10/2017 ban hành quy chế đào tạo từ xa trước đây là các trường đại học không đào tạo từ xa đối với ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Đội ngũ giảng viên đào tạo từ xa, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý phải được đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu; đã được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp giảng dạy và quản lý đào tạo từ xa.
Quy chế cũng nêu rõ chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo tiến độ khác nhau để định hướng cho người học, trong đó tổng thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa không ngắn hơn so với đào tạo chính quy. Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, học liệu để triển khai chương trình đào tạo từ xa.
Những yêu cầu này gồm: Phòng kỹ thuật đủ diện tích để lắp đặt các thiết bị của hệ thống đào tạo từ xa; phòng làm việc đủ diện tích và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của các cán bộ quản lý, hỗ trợ học tập và giảng viên; Có đủ trang thiết bị, hạ tầng, phần mềm cần thiết phục vụ cho phương thức đào tạo từ xa; hệ thống quản lý tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng cùng với hệ thống quản lý đào tạo chính quy;…
Các trường phải có thư viện, thư viện điện tử với số lượng sách, giáo trình, tài liệu tham khảo và các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành đủ để cung cấp, hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu của người học; có đủ học liệu chính và học liệu bổ trợ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo từ xa và kế hoạch xây dựng, phát triển học liệu chính và học liệu bổ trợ cho các học phần còn lại cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học…
Lễ tốt nghiệp chương trình Cử nhân đào tạo từ xa theo phương thức trực tuyến, Trường Đại học Mở TPHCM năm 2023. Ảnh: OU |
Quy định hợp lý
Nhiều chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các trường đại học ủng hộ quy định trên của Bộ GD&ĐT khi không cho phép thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Theo các chuyên gia, đào tạo từ xa có những ưu điểm như: Đào tạo mọi lúc, mọi nơi; tiết kiệm chi phí học tập cho người học; giảm thời gian đào tạo so với phương pháp truyền thống; tạo điều kiện học tập suốt đời… Tuy nhiên, hệ đào tạo này có nhược điểm thiếu sự tương tác giữa người dạy và học; khó triển khai các học phần thực hành…
PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo không chính quy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, sản phẩm đào tạo của ngành Khoa học sức khỏe là những bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng…, liên quan trực tiếp, có tính chất quyết định đến việc bảo vệ sức khỏe người dân. Còn sản phẩm của ngành đào tạo giáo viên là người thầy, cũng có tính chất quyết định sự nghiệp giáo dục.
Hai lĩnh vực này đòi hỏi người học phải được thực hành, cọ xát liên tục. Các vấn đề liên quan đến sức khỏe, sư phạm cũng được các bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ. Theo PGS Hải, do tính chất đặc thù, quan trọng của hai ngành trên, Bộ GD&ĐT siết chặt việc đào tạo từ xa là hợp lý.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hải cho biết, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có hệ đào tạo từ xa, đồng thời có đào tạo 2 ngành chính quy đào tạo giáo viên là Sư phạm Tiếng Anh và Sư phạm Công nghệ. “Tuy nhiên, từ trước đến nay và thời gian tới, nhà trường không tổ chức đào tạo từ xa 2 ngành này. Do đó, quy định mới Thông tư 28 không ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo từ xa của nhà trường”, ông Hải cho hay.
Nhiều trường đại học khác có số lượng ngành thuộc nhóm khoa học sức khỏe, sư phạm lớn cũng cho biết, không bị ảnh hưởng bởi Thông tư 28 do chưa từng đào tạo từ xa 2 nhóm ngành này.
Chẳng hạn, tại Trường Đại học Sài Gòn - nơi đào tạo giáo viên lớn thứ 2 ở TPHCM, Phó Hiệu trưởng Võ Văn Thật cho biết, nhà trường chưa từng đào tạo hệ từ xa. Còn tại Trường Đại học Trà Vinh, cơ sở có hệ đào tạo từ xa khá mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng không đào tạo từ xa 2 nhóm này từ hơn 10 năm nay.
Ông Tô Hoàng Tuấn - Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết thêm, từ năm 2014, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có quyết định tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa với các ngành đào tạo giáo viên. Theo tài liệu giới thiệu hệ đào tạo từ xa - trực tuyến của trường này, số lượng ngành đào tạo là 17, chủ yếu thuộc nhóm quản trị - luật, ngôn ngữ, văn hóa và một số ngành công nghệ.
Ở khối trường Y Dược, phần lớn đều không tổ chức đào tạo từ xa các ngành khoa học sức khỏe. “Trước đây, Bộ Y tế cũng có quy định không áp dụng hình thức đào tạo từ xa cho nhóm ngành này”, nguyên lãnh đạo một trường đại học khối ngành Y Dược tại TPHCM cho biết.
Theo Thông tư 28, chương trình đào tạo từ xa phải được công khai với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học. Hằng năm, cơ sở đào tạo tổ chức rà soát, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo từ xa.