Quy định của pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ

GD&TĐ - Pháp luật có quy định rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ.

Cha mẹ và người thân của trẻ cần ý thức về nguy cơ con mình có thể bị xâm hại quyền riêng tư. Ảnh minh họa.
Cha mẹ và người thân của trẻ cần ý thức về nguy cơ con mình có thể bị xâm hại quyền riêng tư. Ảnh minh họa.

Do vậy, không phải: “Tôi làm bố mẹ chúng, tôi hoàn toàn có quyền quyết định, xem xét, theo dõi mọi hành động của con tôi”.

Không phân biệt độ tuổi, giới tính

Việc đọc trộm nhật ký, tin nhắn điện thoại, thư tín của trẻ được nhiều cha mẹ coi là điều cần phải làm khi có con ở độ tuổi “ẩm ương”. Bởi nếu không, chúng có thể sẽ đi sai đường mà người lớn không hay biết.

Có trường hợp, người mẹ nghi ngờ con gái đang dính vào quan hệ yêu đương quá sớm và có biểu hiện khám phá tình dục không lành mạnh với bạn trai. Mẹ đã tìm mọi cách để phá hủy những điều được coi là bí mật của con mà phơi bày ra ánh sáng.

Người mẹ cho rằng đây là quyền của mình, thế nhưng trẻ đã đòi cắt đứt quan hệ với gia đình mà bỏ đi chỉ vì xấu hổ.

Hiến pháp 2013 quy định rất rõ về quyền được bảo vệ bí mật đời tư, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín, hay gọi chung là quyền riêng tư. Quyền này được pháp luật mặc nhiên bảo vệ không phân biệt độ tuổi, giới tính.

Theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Mọi người cũng có quyền giữ bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Luật Trẻ em cũng quy định, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Đồng thời được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Nhật kí là nơi lưu giữ các thông tin về cuộc sống thường ngày của trẻ. Đó là các câu chuyện, tình huống trẻ gặp trong thực tế. Do đó, việc cha mẹ tự ý đọc nhật kí, tin nhắn, xem cuộc trò chuyện bí mật là vi phạm quyền riêng tư của trẻ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trẻ em dễ bị xâm phạm quyền riêng tư

Giảng viên Đào Thị Hiền (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho biết, hành vi đọc nhật kí, tin nhắn của trẻ khi chưa được sự đồng ý là vi phạm pháp luật, trực tiếp xâm phạm quyền riêng tư của trẻ. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc tùy mức độ, hậu quả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Tôn trọng quyền riêng tư của trẻ chính là tôn trọng nhân cách, sự phát triển lành mạnh của trẻ. Các nhà tâm lý học giáo dục đã cảnh báo, nhiều trẻ em bị tổn thương nặng nề khi bị xâm phạm thô bạo về quyền riêng tư. Do đó, cha, mẹ và người thân cần có các hành vi chuẩn mực, không xâm phạm quyền riêng tư của trẻ. Thay vào đó, cần có cách giáo dục và định hướng cho trẻ đúng đắn”, cô Hiền nói.

Ngay cả việc đăng thông tin bảng điểm của con lên mạng trước đây cũng từng gây nhiều tranh cãi. Luật Trẻ em năm 2016, quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên.

Ngày nay, với sự bùng nổ của mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông, những bí mật đời tư của cá nhân có nguy cơ bị tiết lộ. Và trẻ em là đối tượng dễ bị xâm phạm về quyền riêng tư dưới nhiều hình thức khác nhau. Bởi các em còn nhỏ tuổi, chưa ý thức đầy đủ về các quyền của bản thân và cũng thiếu khả năng tự bảo vệ mình khi bị xâm phạm quyền riêng tư đó.

“Từ hệ lụy khó lường của việc xâm phạm quyền riêng tư của con trẻ, bên cạnh sự hỗ trợ của luật pháp, thì chính cha, mẹ và người thân của các em cần tự ý thức về nguy cơ con mình có thể bị xâm hại quyền riêng tư. Để từ đó, giáo dục và định hướng cho con em những kỹ năng sống cần thiết”, cô Đào Thị Hiền nhấn mạnh.

>>> Mời quý độc giả đón xem Bài 4: Cách trở thành người đáng tin cậy của con

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ