Theo đó, vốn của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Công ty mẹ) bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại Công ty mẹ, vốn do Công ty mẹ tự huy động và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật. Công ty mẹ có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi riêng từng nguồn vốn theo quy định hiện hành.
Vốn điều lệ của Công ty mẹ được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Công ty mẹ không được giảm vốn điều lệ. Trong quá trình kinh doanh, tuỳ theo yêu cầu phát triển từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh vốn điều lệ của Công ty mẹ theo đề nghị của Bộ Công Thương, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thẩm định của Bộ Tài chính. Khi điều chỉnh vốn điều lệ, Công ty mẹ đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và công bố vốn điều lệ đã điều chỉnh.
Chủ sở hữu chỉ được rút vốn đã đầu tư tại Công ty mẹ thông qua hình thức chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn của Công ty mẹ cho các tổ chức, cá nhân khác.
Sử dụng vốn linh hoạt, chịu trách nhiệm về bảo toàn, phát triển vốn
Theo Nghị định, Công ty mẹ được quyền quản lý và sử dụng linh hoạt toàn bộ số vốn do Nhà nước đã đầu tư, các loại nguồn vốn hợp pháp khác vào hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu thu lợi nhuận; chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về bảo toàn, phát triển vốn, hiệu quả sử dụng vốn; đảm bảo quyền lợi của những người liên quan đến Công ty mẹ như các chủ nợ, khách hàng, người lao động theo các hợp đồng đã giao kết.
Trường hợp Công ty mẹ tạm thời sử dụng tiền nhàn rỗi các quỹ thuộc phạm vi quản lý để đầu tư và sản xuất kinh doanh thì phải đảm bảo đủ nguồn chi của các quỹ đó khi có nhu cầu sử dụng. Việc sử dụng vốn, quỹ để đầu tư xây dựng phải theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
Công ty mẹ trực tiếp quản lý và hạch toán toàn bộ vốn góp của Chính phủ Việt Nam trong Liên doanh Việt-Nga "Vietsovpetro" theo Hiệp định liên Chính phủ ký ngày 27/12/2010 và quy định của pháp luật Việt Nam, Công ty mẹ có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn được giao.
Nghị định nhấn mạnh, mọi biến động về tăng, giảm vốn chủ sở hữu, Công ty mẹ phải báo cáo chủ sở hữu và cơ quan tài chính để theo dõi, giám sát. Định kỳ 6 tháng, hàng năm doanh nghiệp phải đánh giá hiệu quả sử dụng vốn thông qua chỉ tiêu mức độ bảo toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh
Công ty mẹ được huy động vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của mình theo hình thức: phát hành trái phiếu, vay vốn của tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật. Việc huy động vốn để kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn huy động, không được làm thay đổi hình thức sở hữu của Công ty mẹ.
Theo Nghị định, thẩm quyền phê duyệt hợp đồng vay vốn được thực hiện như sau: Hội đồng thành viên Công ty mẹ quyết định hợp đồng vay vốn có giá trị đến dưới 30% vốn điều lệ phù hợp với các quy định của pháp luật và phải đảm bảo hệ số an toàn nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ theo quy định.
Trường hợp Công ty mẹ có tổng nhu cầu huy động vốn vượt mức phân cấp nêu trên, Hội đồng thành viên Công ty mẹ phải báo cáo Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt chủ trương trước khi quyết định. Bộ Công Thương có trách nhiệm thông báo với Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi và giám sát.
Không được góp vốn vào DN bất động sản
Nghị định nêu rõ, Công ty mẹ được quyền sử dụng vốn, tài sản thuộc quyền quản lý của mình để đầu tư ra ngoài Công ty mẹ. Việc sử dụng tài sản có liên quan đến đất đai để đầu tư ra ngoài Công ty mẹ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.
Các hình thức đầu tư ra ngoài Công ty mẹ cũng được nêu rõ tại Nghị định, gồm: Đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Góp vốn để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty liên doanh, công ty liên kết; góp vốn vào các Hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới; Mua cổ phần hoặc góp vốn tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh, công ty hợp danh; Mua lại một công ty khác; Mua công trái, trái phiếu để hưởng lãi và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, theo Nghị định, Công ty mẹ không được góp vốn vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc đầu tư các dự án bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với khoản vốn đã góp, đầu tư tại các lĩnh vực nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, Công ty mẹ có trách nhiệm lập phương án cơ cấu lại, thoái hết số vốn đã đầu tư theo quy định.
Công ty mẹ không được đầu tư hoặc góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị em ruột của thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Ban Giám đốc và kế toán trưởng Công ty mẹ.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ việc quản lý và sử dụng tài sản của công ty mẹ; chế độ thu chi tài chính; lợi nhuận và trích lập các quỹ; quản lý vốn của công ty mẹ đầu tư vào doanh nghiệp khác...