(GD&TĐ) - Tôi thật sự giật mình khi nghe Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe, Đại học quốc gia Hà Nội nói về sự hiện diện của cây lá bạc tại Cù Lao Chàm và mối nguy hại của nó đối với hệ sinh thái rừng tại Cù Lao Chàm.
Hiện nay, tại các khu vực rừng, núi ở Cù Lao Chàm cho thấy đã và đang có sự xâm nhập khá nhiều của cây lá bạc (fên gọi do lá cây có màu bạc), người ta còn hay gọi là lang rừng vì lá trông giống lá rau lang. Cây lá bạc phát triển đang đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái rừng tại đây.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Hoè, cây lá bạc là loài cây leo nguy hiểm, có nguồn gốc ở vùng khí hậu nhiệt đới đảo Hải Nam và khu Tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây - Trung Quốc), được gọi là Jinzhongteng hoặc Sát thủ kiều mộc (Pretty Tree Killer) cực kỳ nguy hiểm. Bìm bôi phát tán rất nhanh bằng hạt, chồi, rễ và thân.
Hệ sinh thái rừng tại Cù Lao Chàm vốn đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cây lá bạc đang “ăn” dần các cánh rừng của Cù Lao Chàm loang lổ, nham nhở và màu bạc đang dần thay thế màu xanh của một số khu vực núi rừng nơi đây. Diện thích chỗ ít thì cũng khoảng 100m2 chỗ nhiều áng chừng cũng khoảng vài ngàn m2. Chúng đang phát triển rất mạnh, lá to và xanh mơn mởn. Các ngọn của chúng vươn xa và cao, thỏa sức xâm lấn hệ sinh thái rừng nơi đây. Cây lá bạc sẽ quấn chặt vào thân và cành các cây cao, leo lên đầu ngọn các cây để chiếm lấy hết ánh sáng làm các cây ở dưới như là giá đỡ. Những cây này lâu ngày thiếu ánh sáng, thiếu chất dinh dưỡng nuôi cây, “ngạt thở” dẫn đến làm cây chết. Khi đó, hệ sinh thái Cù Lao Chàm sẽ bị cây lá bạc bức tử, khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ đứng trước nguy cơ rơi vào thảm họa mất cân bằng sinh thái. Chính những cành, lá và thân cây của những cây này chết đi sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Cũng thật lạ, Cù Lao Chàm cách khá xa đất liền mà sao lại có được loại cây này xuất hiện. Phó giáo sư, Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe dự đoán “có lẽ cây lá bạc đã nhập cư vào hệ sinh thái Cù Lao Chàm cách nay khoảng từ 5 tới 10 năm nay”. Đây cũng là một vấn đề đặt ra vì tại sao trước đây không có mà gần đây cây lá bạc lại xuất hiện? Có phải chăng do sự vô tình hay cố ý của con người hay từ chim thú mang giống về đây? Ở đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà là chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng đã bỏ ra cả trăm triệu đồng để tiêu diệt cây lá bạc. Cây lá bạc sống và phát triển nhanh nên rất khó tiêu diệt, hơn nữa lại ở địa hình núi non hiểm trở. Sóc và thỏ rất thích ăn lá của loài cây này và có lẽ đây cũng có thể là nguyên nhân làm cây lá bạc phát tán nhanh.
Đến nay, có nhiều nhà khoa học và quản lý đang quan ngại sự đe dọa của cây lá bạc với sự tồn tại của hệ sinh thái rừng tại Cù Lao Chàm. Các cây bị cây lá bạc làm chết đi sẽ gây ra sự mất cân bằng của hệ sinh thái rừng. Hy vọng, các cấp chính quyền, các cơ quan và các tổ chức quản lý địa phương sẽ nhanh tay diệt trừ hiểm họa cây lá bạc tại Cù Lao Chàm nhằm bảo vệ hệ sinh thái rừng nơi đây xứng đáng là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trần Xuân Mới