Con chữ xa vời
Cách đường Hồ Chí Minh gần 20km, làng Xắng là nơi nghèo nhất xã Thanh Lâm, huyện miền núi Như Thanh, Thanh Hoá. Làng gồm 35 hộ (32 hộ nghèo) dân đồng bào Thái, Thổ. Trưởng thôn Lương Văn Nhất dẫn chúng tôi đi tham quan những ngôi nhà “sinh thái” vắt vẻo trên những đồi núi nhấp nhô: mái tranh vách nứa, cây cằn cỗi, ao cạn nước... Từ làng ra bên ngoài, chỉ có 2 con đường hay đi lại. Một đường bị ngăn cách bởi con sông Chàng, chưa có cầu nối hai bờ. Đường thứ hai là đi tắt qua nhà Rông của làng Cháo, men theo lối bờ be ruộng, lắt lẻo, khúc khuỷu. Đi như làm xiếc, ai đi được cũng toát mồ hôi, thót tim vì nhiều lần suýt ngã xuống ruộng. Trẻ em trong làng là nhiều nhất. Tình trạng sinh đẻ vô kế hoạch không thể kiểm soát nổi dẫn theo đời sống bà con nơi đây vô cùng khó khăn. Vì thế con đường đến trường của học trò cũng xa vời vợi. Từ xưa đến nay chưa có ai trong làng học đến cấp 3 vì nghèo khó, giao thông đi lại khó khăn. Nhất là vào mùa mưa khi con sông Chàng dâng cao, chảy xiết thì người lớn cũng không dám qua nói chi con trẻ cắp sách đến trường.
Trao đổi với chúng tôi về sự thất học của học sinh, ông Lô Văn Đàn, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Lâm cho biết: “Chuyện học hành của con em nơi đây còn nhiều khó khăn vì trường học xa, hoàn cảnh khốn khó, giao thông cách trở, hơn nữa sự chú trọng đầu tư cho con em học hành của các phụ huynh còn rất hạn chế. Làng Xắng nghèo cũng là một số cái nghèo chung của xã”.
Lắt léo “bò” trên con đường cắt ngang cánh đồng, chúng tôi rời làng Xắng, về thị trấn Yên Cát rồi đi dọc đường Hồ Chí Minh hành trình vào huyện miền núi Nghĩa Đàn, Nghệ An. Tại một khúc sông Hiếu, các em Vi Thị Oanh (8 tuổi), Lô Thị Hiền (10 tuổi), Lò Văn Thăng (8 tuổi)… đều là người Thái tại làng Lai Châu (xã Nghĩa Mai) đang ngâm mình để mò hến. Vi Thị Oanh tâm sự: “Nhà em có 4 anh em, em chuẩn bị lên lớp 3. Mỗi ngày em đi mò hến từ 5 giờ sáng đến quá trưa được khoảng 10 bát rồi mang đi chợ bán. Mỗi ngày em cũng kiếm được 10 – 15 ngàn, gom góp mua sách vở”.
Được đi học mà phải bỏ giữa chừng đã là điều may mắn hơn nhiều đối với những đứa trẻ không được đến trường.
Trẻ em phải thức cả đêm để bán hàng là những quả rừng |
Trẻ thèm cơm, “khát” chữ
Từ TP. Huế, chúng tôi mới vượt hơn 70km đường rừng núi về A Lưới. Huyện miền núi này đang “thay da đổi thịt” từng ngày nhưng vẫn còn nhiều nơi đồng bào các dân tộc thiểu số gặp muôn vàn khó khăn. Từ thị trấn, theo đường mòn Hồ Chí Minh cắt ngang những rừng già âm u, vắng vẻ, vượt qua ngọn đèo Pê Ke có độc dốc 10% dài hơn chục km, qua một chiếc cầu treo mới đến được trung tâm xã Hồng Thuỷ - nơi nghèo khó nhất A Lưới.
Biết đường vào thôn nhiều trắc trở, chủ tịch xã Hồ Bá Bình cử một cán bộ văn hoá dẫn đường kiêm luôn “phiên dịch viên”. Dưới dòng suối Par Ray, hai “người rừng” ngâm mình trong nước. Hồ Thắng (9 tuổi) và Hồ Văn Quan (10 tuổi) trần như nhộng đang bắt cá. Quan đã bỏ học từ lớp 2 còn Thắng thì không được đến trường. Anh Hồ Văn Lâu, người dẫn đường cho biết: “Ngày mô ở khúc sông ni cũng có hàng chục đứa trẻ để trần bắt cá, mò ốc. Đứa thì mang về làm thức ăn, đứa thì mang đi chợ bán”.
Cố gắng lắm, chúng tôi cũng đặt chân vào thôn trong cái nhìn ngơ ngác của mọi người. Nhìn xung quanh chỉ toàn những ngôi nhà sàn nằm vắt vẻo trên những sườn núi cao. Trước cửa nhà, nhiều cụ bà, nhiều phụ nữ miệng phì phèo tẩu thuốc, mắt nhìn xa xăm. Nhiều chị em còn trẻ nhưng đã con bồng con bế nheo nhóc. Chưa kịp lau mồ hôi vì vừa bò lên con dốc cao vút, đã thấy bốn đứa trẻ đang hì hục giã gạo. Các em còn rất nhỏ, người gầy yếu, da đen thui, tóc cháy nắng… nhưng cầm chày giã gạo rất chuyên nghiệp. Trẻ em ở đây làm việc thì giỏi chứ chuyện học hành thì quá xa vời. Hỏi một em nhỏ: “Em tên gì? -Thái! -Bao nhiêu tuổi? - Không biết!” Hồ Văn Thái đã 12 tuổi nhưng chưa từng được đến trường nên không biết mình bao nhiêu tuổi. Anh trai Thái mới 19 tuổi nhưng đã lấy vợ, có một con. Do nhà nghèo, sinh ra và lớn lên gắn liền với nương rẫy, anh cũng không được đi học,.
Đưa ra tờ giấy lệ phí của đứa bé sắp bước vào học… Mẫu giáo, chị Kăn Nga (36 tuổi) nói như khóc: “Trường ở xa, con nó phải học bán trú và số tiền 285 ngàn đồng/tháng, tui không biết lấy mô mà đóng”. Chồng của Kăn Nga mất đi trong cơn bạo bệnh để lại 4 mẹ con bơ vơ. Bản thân Kăn Nga lại bị bệnh tim, không thể làm việc nhiều nuôi các con nên chị gửi hai đứa lớn về cho nhà ngoại nuôi. Năm ngoái, nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng cộng với số tiền vay mượn, mẹ con Kăn Nga có nhà ở. Chỗ ở ổn định nhưng cái ăn cái mặc và chuyện học hành… của các con khiến chị càng lo lắng, gầy yếu hơn.
Đến già làng Ku Hương (89 tuổi) vào đúng bữa cơm trưa. Ngay dưới sàn đất, vợ chồng già làng và ba cháu nhỏ đang quây quần bên mâm cơm. Nói là cơm nhưng chỉ toàn bắp, sắn độn vào đó ít cơm. Thức ăn là mớ rau rừng, ít muối mắm nhưng mọi người ăn một cách ngon lành. Già làng chậm rãi: “Ăn như vậy thường xuyên. Bố yếu rồi không làm việc nặng được. Thỉnh thoảng lên rẫy lấy bắp, củ sắn, hái rau rừng về ăn thôi. Khi nào chuối to quả thì chặt về bán mua ít gạo ăn. Mấy chú thấy đó, cả thôn ni nhà nào cũng lụp xụp, đều đói ăn, trẻ em không được đi học nhiều lắm. Mấy cháu nhà bố cũng thế. Biết cháu không đi học là khổ nhưng đành chịu thôi”.
Hiệu trường Tiểu học Hồng Thuỷ cho biết: “Tình hình học tập của ở xã còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là trẻ em tại thôn 7. Chúng tôi thường xuyên đến nhà vận động nhưng tình hình không mấy khả quan”.
Chưa từng biết trường lớp, thầy cô
Hỏi anh Lâu là còn nơi nào khó khăn hơn, anh không nói rồi dẫn chúng tôi đi nơi tận cùng của huyện A Lưới – bản Par Ray (chỉ qua một ngọn núi cao là đến nước bạn Lào). Đường gập ghềnh, dốc cao, chiếc xe máy cài số 1 mà nhiều đoạn phải xuống cùng nhau đẩy mới đi được. Đoạn đường gần 6 km nhưng đi gần 2 giờ mới đến con suối Par Ray (nơi ngăn cách bản với thế giới bên ngoài.) Từ xa, bọn trẻ nhìn chúng tôi như những “sinh vật lạ”. Có lẽ lâu lắm rồi mới có người từ bên ngoài vào được trong làng. Những nhà sàn san sát nhau trong một thung lũng bốn bề là rừng già.
Đại gia đình Quỳnh Phê (55 tuổi) gồm 12 người “chui rúc” trong túp nhà sàn nhỏ bé. Dưới sàn nhà những con lợn, con gà, con dê nháo nhác tìm thức ăn. Những đứa con của Quỳnh Phê còn rất nhỏ, chúng đều gầy gò, yếu ớt, đen thui thủi. Được sự phiên dịch của anh Lâu, chủ nhà tâm sự: “Mình lên đây 20 năm rồi. Sống như vậy quen rồi. Cán bộ vận động về gần đường ở thì không biết lấy đất đâu mà làm ăn”. Chúng tôi hỏi là thấy lũ trẻ ốm đau, không được đến trường… có buồn không? – Đau ốm thì nằm ở nhà không phải đi làm, lâu nay chúng không học cũng quen rồi. Buồn, tội nghiệp nhưng đành chịu thôi” – vợ Quỳnh Phê là Kăn Thê tâm sự. Bên kia khe nước nhỏ (nguồn nước sinh hoạt của bà con ở đây), nhà Quỳnh Tuất (38 tuổi) đã có 5 con, không ai được học và những đứa trẻ nhà khác trong bản cũng vậy.
Bản gồm 17 hộ với 88 khẩu là người các xã Hồng Kim, Hồng Vân, Bắc Sơn đến sinh cơ lập nghiệp từ năm 1984. Hơn 20 năm nay, họ sống trong muôn vàn khó khăn: không điện, không đường, không trường học, không trạm y tế, không có tổ chức chính quyền, không giao lưu buôn bán. Những đứa trẻ vì thế cũng sinh ra, lớn lên rồi lập gia đình, sinh đẻ tại đây. Hơn 30 em ở đây không được đi học. Vài năm gần đây, có một vài hộ gia đình đã gửi con về nhà người quen ở quê cho đi học nhưng số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Chí Thời cho biết: “Lâu nay họ vẫn sống khổ sở, thiếu thốn như vậy. Trẻ em bệnh tật, ốm đau không có thuốc chữa, không được đi học, ăn uống đói khổ… Nhiều lần, Huyện phối hợp, chỉ đạo xã đến vận động các hộ gia đình này đăng ký nhập khẩu, về ở nơi thuận lợi có chính sách hỗ trợ hoặc phải trở về quê cũ sinh sống nhưng không ai chịu. Bà con bảo ở đây quen rồi, làm ăn cũng đỡ vất vả hơn. Chúng tôi cũng đã làm dự án xin tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng này”.
Trời chiều, bà con đồng bào dân tộc thiểu số với những chiếc gùi sắn, bắp, rau quả rừng nặng trĩu trở về sau ngày lên rẫy cực nhọc. Theo sau họ là những trẻ em đen thui, nhem nhẻm, quần áo rách rưới nhưng đôi chân chắc nịch, thoăn thoắt theo người lớn. Chúng mang gùi trên lưng còn lớn hơn cả thân mình. Từ bao đời nay, bà con đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, Bru – Vân Kiều… sống trên những ngọn núi cao, sâu trong rừng già. Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên từ đó. Rừng già cùng với thời tiết khắc nhiệt đã rèn cho các em được khả năng sinh tồn, chống chọi với thiên nhiên, bệnh tật và cả cái đói. Nơi “đỉnh trời” khốn khó này, vẫn còn nhiều trẻ em quá thiệt thòi. Miếng ăn chưa đủ, cái đói quay quắt cứ đeo bám lấy bọn trẻ nên đường đến trường chỉ trong niềm mơ ước.
Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc thiểu số đã đóng góp vô cùng lớn lao đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thời bình, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đầu tư, quan tâm chú ý đến đời sống bà con. Nhiều nơi đã có được sự khởi sắc nhưng công tác giáo dục ở một số nơi vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Làm sao để trẻ em dân tộc thiểu số được đủ ăn, được đến trường là nỗi trăn trở lớn lao của các cấp, các ngành và những ai quan tâm.
Hoàng Quân - Hoàng Sơn