"Hạt thóc vàng và Con chữ sáng"

"Hạt thóc vàng và Con chữ sáng"

(GD&TĐ) - Song hành cùng thời gian, cùng lịch sử, cùng giáo dục là Hạt thóc và Con chữ. Đường trường đi tới 1000 năm Thăng Long là Hạt thóc vàng và Con chữ sáng. Thóc và chữ, chữ và thóc luôn luôn ngời sáng trong tâm thức của thế hệ người Việt Nam ta qua các thời đại.

Đại La nơi Lý Công Uẩn dựng đế đô hưng vận nước, sáng nghiệp gia là khởi nguồn của nền văn minh lúa nước. Trời mở chính khí, đất tụ tinh hoa, chữ của thánh văn, quân của thần võ. Hẳn là do HẠT THÓC danh hiển đạt, CON CHỮ trí phồn vinh. Có phải đất Việt mưa nhuần nên thóc ngô ngọc báu, trời Nam mây sáng nên chữ nghĩa quyền uy? Hạt thóc và con chữ - Vật chất và tinh thần là hai thứ mà tổ tiên tiền tổ của ta đã sở hữu nó, làm ra nó và hiểu được sức mạnh của nó.

Nhạy cảm với vấn đề này Sơn Tinh đã dâng lên vua cha tấm bánh chưng vuông, tấm bánh dày tròn làm từ thóc gạo nên chàng đã được kết duyên cùng công chúa Mị Nương. Ngồi suy ngẫm về hạt thóc và con chữ, tôi bồi hồi xúc động, không viết ra không chịu nổi. Thóc và Chữ, Chữ và Thóc cứ tiếp nối khôn lường, cứ lâu dài sáng mãi. Ông cha ta học chữ Hán để đánh Hán xâm lược và đánh thắng. Ông cha ta học chữ Tàu để đánh Tàu, diệt Tống, trị Nguyên, đánh Minh, đuổi Thanh, lịch sử còn đó, dấu ấn còn lưu. Người Việt Nam học chữ Tàu đấu trí với Tàu “Vũ qua Bắc Hải”. Chúng ta học chữ Tàu để Tàu phải nể trọng phong Lưỡng quốc Trạng nguyên (Mạc Đĩnh Chi). Ông cha ta học chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm.

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam ta dạy Hán Văn để đào tạo những hiền tài, để nâng cao dân trí mang cốt cách và bản sắc văn hoá Việt Nam đó là Việt hoá Hán ngữ. Mấy nghìn năm văn hiến của Tàu đã có ai viết được TRƯỜNG THIÊN ĐẠI LUẬN như Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn, đã có ai viết được THIÊN CỔ HÙNG VĂN như Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, NGỤC TRUNG NHẬT KÍ của Bác Hồ kính yêu cũng viết bằng con chữ vuông để cho người Tàu tự đọc. Viên Ưng- một nhà thơ Trung Quốc đã ca vang: “Chúng ta được gặp một tâm hồn vĩ đại của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Tôi cảm thấy trái tim vĩ đại đó đã toả ánh sáng chói ngời trong một hoàn cảnh tối tăm”. Hoàn cảnh có lúc tối tăm nhưng chữ vẫn sáng, thóc vẫn vàng. Đã thấu hiểu hạt thóc hạt vàng thì cho dù “trên đồng cạn” hay “dưới đồng sâu”, dù “mống đông” hay “vồng tây”, lá lúa vẫn như lưỡi gươm thiêng chống đất chỉ trời. Tính cách của người nông dân Việt Nam đều hội tụ ở thóc gạo “No cơm tấm, ấm ổ rơm”, “lọt sàng xuống nia”. Không có cây nào mà lại gắn kết chặt chẽ với nhau giữa đất và nước như cây lúa.

Cái hồn của văn hoá Việt Nam cứ âm thầm trong hạt thóc, cứ lặng tràn trong ẩm thực: Cốm làng Vòng, Rượu Nàng Vân, bánh tẻ Chợ Chờ, bánh Phu thê Kinh Bắc. Tâm hồn Việt ở nơi đâu trái tim đập ở chốn nào? Còn đâu khác là hạt thóc vàng và con chữ sáng trên dải đất hình cong chữ S này. Từ trong sâu thẳm của thời gian, từ trong bất diệt của cuộc sống, nhìn về phía xa xăm, nhìn lên phía trước, nhìn ra bốn phương, con chữ thông thái đã truyền đạt tất cả những gì là tinh hoa của dân tộc, của nhân loại vào túi CÀN KHÔN của quốc gia. Hạt thóc chìm nổi cuồn cuộn từ những dòng sông chở nặng phù sa, từ những “cánh đồng quê chảy máu” viết lên bản hùng ca “lúa nhiều thắng lợi càng to, đồn Tây càng đổ câu hò lại vang”. Pháp xâm lược, ta lại học chữ Pháp để đánh Pháp và thắng Pháp - hai lần thắng Pháp. Hết quét giặc Bắc lại đuổi giặc Tây, phò xã tắc, giữ non sông. Phải chăng lúa gạo nhiệm màu, ngôn từ chiếu sáng? Có những bản án viết bằng tiếng Pháp đặt trên ngực tên đồn trưởng Bốt Già (Ý Yên- Nam Định) vì thế Bốt Già không đánh mà phải rút.

Nghìn thu vẫn nhớ, muôn thuở không quên tấm gương Việt Thái Bình đỗ xuất sắc trường Đại học Oasinhton Mỹ quốc. Khi lên nhận bằng tốt nghiệp, anh khoác tấm áo choàng và đeo ở trước ngực tấm biển ghi dòng chữ: “Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam”! Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đã gửi tới anh một bức thư ngỏ mời anh công tác và chia cho anh một tài khoản rất lớn, Việt Thái Bình (tức Nguyễn Thái Bình) đã thẳng thắn tuyên bố: Tôi sang đây học vì nước tôi nghèo, vì miền Nam của tôi còn bị các ông xâm lược chứ không vì những thứ của cải đó. Tôi về nước tôi để đánh đuổi đế quốc Mỹ. Nhà Trắng phải đưa anh về nước nhưng khi máy bay đang hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì chúng cho máy bay nổ để giết hại anh. Con chữ đã dạy ta đọc được những kỹ xảo lừa mị, những điều mê hoặc. Có lần máy bay trực thăng của Mỹ xà xuống sát mái nhà chị Út, nghiêng cánh ngó vào trong nhà kêu gọi chị Út đầu hàng. Cái Bé con gái lớn của chị Út khi đó mới 8 tuổi đang điều khiển đàn em ở dưới hầm thản nhiên trả lời: “Giải phóng quân Mẹ mắc đi đánh Mỹ, giải phóng quân Con không biết đầu hàng”. Câu chuyện hiện thực một trăm phần trăm mà cứ như huyền thoại. Ngôn ngữ mà con chị Út trả lời cứ hồn nhiên như sắc cỏ, cứ thản nhiên như đất bồi mà có giá trị như ngọc báu phát quang, như thần linh chiếu ứng. Chúng ta học chữ Anh để hiểu Mỹ và còn dạy ta đuổi Mỹ.

Con chữ không phải chỉ dạy ta tư duy mặt đất mà còn dạy ta tư duy trên bầu trời. Hạt thóc nuôi con chữ, Con chữ làm hạt thóc sinh sôi. Tôi lấy cách nhìn “Tấc đất tấc vàng” để mà suy ngẫm về hạt thóc; gieo một hạt thóc nảy lên một cây mạ, cây mạ lớn lên đẻ ra nhiều nhánh đến thì con gái thì thụ thai làm đòng giữa đất trời mưa nắng. Một hạt gieo xuống đất sinh ra trăm nghìn hạt trên bông, dưới nắng lửa mưa giông mà thóc vẫn mẩy vàng. Cậu bé thần đồng Trần Đăng Khoa thời đánh Mỹ là cây bút tài hoa dùng con chữ viết về thóc gạo hay nhất, đúng nhất từ trước đến nay, người đọc đều tôn vinh, nhà nông đều cảm phục.

Chúng ta học chữ ở trường, ở lớp, học cả dưới hầm sâu địa đạo. Học ở Trung Quốc, ở Liên Xô, ở Đức, ở Hung, ở Ba Lan, Tiệp Khắc… Chúng ta học ở Pháp, ở Anh, ở Nhật và cả ở Mỹ. Mỗi con chữ dù vuông hay tròn, dài hay ngắn, có vần hay không có vần, hữu thanh hay vô thanh, của quốc gia này hay quốc gia kia nhưng đến với người Việt Nam đều mang cốt cách và phương thức tư duy của người Việt Nam. Nhiều trận đồ bát quái của Khổng Minh thời Tam quốc được diễn lại ở Việt Nam thời Bắc thuộc, Pháp thuộc rồi thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bọn xâm lược đều chọn cửa sinh để cho tướng quân vào đấu Pháp nhưng chúng lại không ra được cửa sinh vì trận đồ biến dạng mất hết phương hướng. Quân tướng hoang mang, hoảng loạn nên phải lao ra cửa tử, cửa tù.

Năng lực phát sáng của con chữ là do người sử dụng nó. Cái bại của kẻ xâm lược đã nằm trong tầm tư duy chiến lược của lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Mỗi con chữ thông qua người sử dụng đều chứa đựng năng lực toả sáng của nhân kiệt địa linh, văn minh đạo nghĩa. Chả thế mà những năm chống Mỹ ông già ở Đất Mũi đã thờ hai chữ Nhật Nguyệt.

Chúng ta đã đứng trên thềm của 1000 năm Thăng Long, trên thềm của toàn cầu hoá thì vấn đề con chữ (trí tuệ) không phải chỉ là sức mạnh mà còn là quyền lực, quyền uy nhưng với ta thóc gạo vẫn là hạt vàng. Đừng bao giờ ai đó lãng quên lời giáo huấn của tổ tiên “Tích cốc phòng cơ”.

Đảng ta là Đảng cầm quyền nhất thiết những cán bộ Đảng viên của Đảng phải vượt lên để chiếm lĩnh đỉnh cao của trí tuệ. Những nhà trí thức thực sự và chân chính chắc chắn sẽ đem hết tài năng và đạo đức của mình làm cho nước giàu, dân mạnh để thoả lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu.

        NGƯT: Hoàng Trung Hiếu 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.