(GD&TĐ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ làm “chấn động địa cầu”. Nhiều phái đoàn quốc tế đón tiếp bạn bè Việt Nam thường hô vang: “Việt Nam- Hồ Chí Minh- Điện Biên Phủ!”. Chiến thắng Điện Biên là mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là nguồn cảm hứng vô tận để các nhạc sĩ sáng tác những ca khúc sống mãi cùng năm tháng. Bài hát “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là bản anh hùng ca tuyệt vời ghi dấu ấn “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu).
Khúc nhạc dạo đầu “Rế rế đô, rế đô/ sòn sòn đô rê mí/ đồ đồ rê mí/ đô rế đô sòn là/ Là mí, mí rê, rê són” là tiếng kèn giục giã, dồn dập, loan báo tin vui chiến thắng. Giai điệu mang âm hưởng biến tấu của điệu chèo “Lới lơ” vùng đồng bằng Bắc bộ thật rộn rã lòng người. Tiếp theo là lời ca vang lên hùng tráng theo nhịp bước quân hành: “Giải phóng Điện Biên/ bộ đội ta tiến quân trở về/ giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Bản Mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đàn em bé ra đồng nắm tay xòe hoa…”
Đỗ Nhuận được xem là “con chim đầu đàn” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn cận đại. Ông sinh ra và lớn lên tại Hải Dương - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Cách mạng Tháng 8 thành công đã mở ra một bước ngoặt lớn đối với cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa. Ông đã trở thành người lính tiên phong trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, tham gia nhiều chiến dịch, đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Mùa xuân 1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, dẫn đoàn lên Tây Bắc tham gia "Chiến dịch Trần Đình" (mật danh của chiến dịch Biện Biên Phủ). Chiến dịch rất ác liệt, kéo dài nên không được phép tập trung đông người để xem biểu diễn. Đoàn phải phân tán thành từng tốp từ 3 đến 5 diễn viên xuống tận chiến hào, vào từng hầm có thương binh để biểu diễn phục vụ, và khi cần thì đào hầm, tiếp lương, tải đạn…
ảnh minh họa |
Trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ba bài hát tiêu biểu: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên. Sự ra đời của bài Giải phóng Điện Biên đã được tác giả cho biết qua hồi ký của mình. Ông viết: "Ngày 7-5-1954, chúng tôi đang cuốc, rải đá, thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi”. Người tôi gai lên. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng. Tay búng chiếc violin, mồm cứ y ỷ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết, vừa bóc sắn ăn". Và thế là, Giải phóng Điện Biên đã chính thức ra đời từ đó”.
Bài hát được nhạc sĩ Đỗ Nhuận vận dụng một cách sáng tạo âm hưởng, làn điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo của đồng bằng Bắc bộ. Ở đó ta như nghe thấy có tiếng kèn thắng trận hùng tráng, có âm hưởng điệu xòe hoa của dân tộc Thái xen lẫn với nhịp bước quân đi. Ca từ của bài hát rất giàu hình ảnh, như một bài thơ văn xuôi: Có hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên chiến thắng trở về; có cảnh núi rừng Tây Bắc mừng vui với mùa hoa nở rộ, nương lúa mới của bản Mường, và từng đàn em bé, từng đoàn dân công tiền tuyến reo vui, vẫy chào. Hình ảnh núi rừng và con người Tây Bắc cứ như một cuốn phim hiện lên khi gần, khi xa trong ca từ của ông: "Bản mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đoàn em bé ra đồng nắm tay xoè hoa”. Kết thúc bài hát, giai điệu vút lên thật hào hùng: "Núi sông bừng lên/ Đất nước ta sáng ngời /cánh đồng Điện Biên/ cờ chiến thắng tưng bừng trên trời".
Trong một buổi gặp gỡ các nhà báo, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã tâm sự: "Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi làng xóm đều hân hoan một niềm vui vô tận. Nhưng niền vui của cả dân tộc là vĩ đại, bởi đã giành được chiến thắng vinh quang trước kẻ thù. Trước hào quang toàn thắng, lòng tôi trào dâng một niềm vui. Chân gõ nhịp để tìm tiết tấu và ca từ mà như muốn nhảy lên, reo lên: “Ấy biết bao sướng vui, từ ngày lên Tây Bắc, đồng bào nao nức mong đón ta trở về”
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đi vào cõi vĩnh hằng từ tháng 5/1991, nhưng những bài hát ông để lại cho nền âm nhạc Việt Nam là vô giá. Trong số những bài ca xuất sắc đó có bài Giải phóng Điện Biên. Năm 1996, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, bài hát Giải phóng Điện Biên đã được nhiều thế hệ yêu âm nhạc Việt Nam đón nhận và thể hiện bằng nhiều hình thức: đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca, hòa tấu, hợp xướng. Đặc biệt, giai điệu của bài hát đã trở thành nhạc hiệu của chương trình Phát thanh thời sự mỗi buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Giải phóng Điện Biên từ lâu được coi như một tượng đài bằng âm thanh của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Lê Xuân