(GD&TĐ) - Các cụ xưa có câu "cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha", ý nói những đôi trai gái đã tìm hiểu kỹ rồi thì phải hỏi, cưới ngay chứ không nên kéo dài thời gian yêu đương. Vậy nhưng, thực tế cuộc sống ngày nay, không ít bạn trẻ gặp phải những lý do khác nhau khiến họ không hào hứng với hôn nhân dù rằng có thể yêu đắm say một ai đó...
Càng lúc càng có nhiều bạn trẻ đang “mắc cạn” trong lời hẹn cưới bởi họ đang mong muốn có thời gian và điều kiện vươn đến sự hoàn thiện của chính mình. Nhiều người vì quá sức trong đeo đuổi mục tiêu nên tâm trạng luôn mệt mỏi, stress và không dễ dàng tự cân bằng được cuộc sống của mình. Đã yêu nhau 5 năm, cả Hùng và Thắm đều tìm được công việc với mức lương ổn định. Cả hai bạn cũng mơ “về ngôi nhà và những đứa trẻ”. Tuy nhiên, Hùng là con trai trưởng, phải gánh vác gia đình ở quê nhà, Thắm một vài lần nói gần nói xa đến chuyện cưới xin nhưng anh chỉ cười mà bảo: “Để một vài năm nữa khi cuộc sống ổn định hơn, chúng mình sẽ làm đám cưới. Bây giờ chúng mình còn nghèo quá...". Vậy là Thắm đành chấp nhận mối tình “mãi không cập bến” đó.
Điệp khúc tình yêu vẫn cứ thế tiếp diễn. Hai người lại tiếp tục yêu nhau, tiếp tục gặp nhau nhưng dường như áp lực quá lớn khiến tình yêu của họ không còn đẹp mộng mơ. Nỗi niềm hạnh phúc, cảm xúc chờ đợi nhất về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc vô tình trở thành gánh nặng tâm lý.
Ảnh MH |
Với Cẩm Nhung - một cô giáo dạy Văn cấp 3 ở một thành phố lớn, tiêu chí mà cô đặt ra để chọn người bạn đời là: “Người đàn ông đó phải vững chãi và dịu dàng như ba; nồng nàn ấm áp như một người tình; giỏi như một người thầy và gần gũi như một người bạn; thơ trẻ như đứa em trai”. Vì cái tiêu chí đó mà cả thời sinh viên không một chàng trai nào lọt vào mắt xanh của cô. Mãi tới khi ra trường công tác cô mới chọn và yêu say đắm một chàng trai cùng quê. Chàng là một kỹ sư dầu khí, tài hoa, phong độ, tâm lý... đúng với tiêu chuẩn Cẩm Nhung đặt ra.
Yêu nhau được hơn 3 năm, tâm trạng của Cẩm Nhung luôn rạng ngời trong niềm hạnh phúc vì “một nửa trái tim” có đủ tiêu chuẩn mà Cẩm Nhung mơ ước. Mối tình đẹp lại tiếp tục kéo dài cho tới gần 5 năm, bạn bè hỏi thăm “khi nào được ăn cỗ”, Cẩm Nhung chỉ cười: “Từ từ đã, mình chỉ thích yêu thôi, chưa muốn ràng buộc sớm đâu”.
Cẩm Nhung kể, họ sống vậy quen rồi nên không muốn thay đổi. Nhà ai nấy sống, nhớ thì gặp nhau, đưa nhau đi chơi. Nhưng cưới thì cả hai vẫn chưa nghĩ đến. Cả Đức - người yêu của Cẩm Nhung cũng vậy, làm kỹ sư dầu khí cứ nửa tháng trên bờ, nửa tháng ngoài biển khơi nên chưa nghĩ tới việc kết hôn. Hơn nữa cũng vì quá yêu Cẩm Nhung mà Đức chấp nhận để cô tự do bay nhảy, thăng tiến trong sự nghiệp, không ràng buộc bằng trách nhiệm và nghĩa vụ của một người vợ.
Nhưng tự thẳm sâu lòng mình, Đức vẫn mong có một gia đình đầm ấm với người vợ hiền, biết chăm sóc chồng và những đứa con bụ bẫm, ngoan ngoãn. Ở “cái tuổi nó đuổi xuân đi”, Cẩm Nhung vẫn vô tư, tuổi còn trẻ, phải lo sự nghiệp trước đã, khi nào ổn định thì cưới rồi có con cũng được.
Theo các chuyên gia về hôn nhân gia đình, không có một quy định nào bắt người ta yêu nhau bao lâu thì cưới, nhưng nếu đã gặp được người tốt và yêu nhau thật lòng thì hôn nhân sẽ càng giúp người ta sống có trách nhiệm, nghĩa tình với nhau hơn. Nếu “yêu chỉ để yêu mà thôi”, yêu mà không cưới thì đó là một tình yêu vô trách nhiệm. Vì thế, nếu chẳng may gặp phải người thích “lửng lơ con cá vàng”, bạn nên mạnh dạn bày tỏ quan điểm và đưa ra sự lựa chọn có tính chất “sống còn”. Tình yêu là tình cảm đẹp nhất mà con người đã có được thì tại sao chúng ta không tận hưởng nó và gặt hái quả ngọt của tình yêu bằng cuộc hôn nhân viên mãn, hạnh phúc?
Phương Thuỷ