(GD&TĐ) - Đến cơ quan Ban chỉ huy quân sự (BCHQS) huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng), nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy có 3 cháu bé (1 gái 2 trai) thường ngày có mặt trong doanh trại, vui chơi hoặc học bài. Mới đầu ai cũng nghĩ đó là con em của cán bộ sĩ quan trong đơn vị, nhưng khi hỏi mới biết được ba cháu bé là“con nuôi” của người lính thuộc BCHQS huyện Châu Thành…
Các cháu quét dọn nhà cửa. |
Trò chuyện cùng tôi, Thượng tá Nguyễn Lý Rỡ, Chính trị viên BCHQS huyện Châu Thành, kể: Năm 2008 huyện mới Châu Thành được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Mỹ Tú. Đầu năm 2009, cơ quan BCHQS huyện Châu Thành đi vào hoạt động.
Doanh trại của đơn vị đóng trên phần đất trước đây là lò gạch nhưng đã giải tán nên nhiều công nhân ở đây rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong số này có gia đình ba cháu là Trần Thị Thu Hồng (SN 2001), Đoàn Văn Lộc (SN 1999) và Nguyễn Anh Khoa (2000) rất khó khăn nên các cháu phải nghỉ học giữa chừng.
Trước thực trạng đó, Ban chỉ huy và Đảng ủy đơn vị đã họp, quyết định nhận đỡ đầu 3 cháu Hồng, Khoa và Lộc, lo cho các cháu ăn ở và học hành để giúp gia đình các cháu bớt khó khăn, tạo điều kiện cho các cháu được học hành tới nơi tới chốn. Kể từ đó, 3 cháu trở thành thành viên của đơn vị. Ăn, ở trong doanh trại, được rèn luyện đúng như tác phong của người lính chính qui.
Thượng tá Nguyễn Lý Rỡ cho biết: “Kinh phí nuôi các cháu được trích từ quỹ tăng gia sản xuất của đơn vị như trồng rau, nuôi gà, nuôi cá , nuôi heo… Về sống với đơn vị, các cháu được hưởng tiêu chuẩn ăn như của chiến sĩ trong đơn vị, thậm chí còn được ưu tiên bởi trong bữa ăn các chú đều dành thức ăn ngon của mình cho các cháu. Ngoài ra, đơn vị còn đảm bảo những khoản tiền sách vở, đồng phục, học phí.
Hằng ngày, việc học tập ở nhà của 3 cháu được giao cho Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng (Bác sĩ quân y) kèm cặp. Còn việc đi học, do trường cũng gần doanh trại nên nếu bữa nào trời đẹp, thời tiết tốt các cháu tự đi, còn bữa nào mưa to gió lớn hay nắng quá thì đơn cị cử người đưa đón các cháu. Mỗi ngày các cháu đi học, đơn vị cho thêm 5.000đồng bỏ túi để mua nước uống giờ ra chơi”.
Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng cho biết: “Các cháu còn trẻ con nên đôi lúc còn ham chơi hơn là ham học nhưng chúng tôi cũng có gắng kèm cặp, bảo ban các cháu nên các cháu hiểu và cố gắng học tập tốt hơn. Hồi mới vào đơn vị, cả ba cháu học yếu lắm, nhưng bây giờ học từ trung bình đến khá. Chúng tôi chăm sóc các cháu rất cho đáo, kể cả việc cắt móng tay móng chân cho các cháu nữa.
Hiện tại cả 3 cháu đều đang học lớp 4 của trường tiểu học thị trấn Châu Thành B. Là người theo dõi việc học của các cháu, tôi thấy các cháu có năng lực, nếu có điều kiện, chắc chắn các cháu sẽ học tốt hơn. Ngoài ra, trong cuộc sống, các cháu cũng rất yêu thương nhau như anh em ruột, ngoan ngoãn, có ý thức kỷ luật tốt”.
Kiểm tra bài học của các cháu trước khi lên lớp. |
Thượng tá Rỡ cho biết thêm: “Các cháu ăn ngủ tại đơn vị nên được rèn theo tác phong người lính, phòng ở các cháu giường chiếu cũng gọn gàng như của lính. Thường các cháu ngủ nghỉ trong này, hôm nào nhớ cha mẹ thì chúng tôi đưa về với gia đình”. Tôi cũng gặp bà Trần Thị Mé (mẹ cháu Hồng), bà nói: “Chồng tôi bị bại liệt năm một chỗ, gia đình nghèo không có đất cất nhà nên được người quen cho cất tạm một cái chòi để ở. Hàng ngày tôi đi bán vé số, cháu Hồng nhờ có mấy chú bộ đội nuôi nên có điều kiện học hành. Ơn này chúng tôi không thể nào quên được. Các chú bộ đội tốt với người dân quá”. Cháu Hồng cho biết thêm: “Ở trong doanh trại, được các chú tạo điều kiện cho ăn học, lại được dạy làm việc nhà nên bây giờ cháu và hai bạn biết quét nhà, cho gà vịt ăn, biết giặt quần áo nữa”.
Cô Trần Hồng Thắm, giáo viên trường tiểu học thị trấn Châu Thành B tâm sự: Nhờ có các anh bộ đội giúp đõ, rèn cặp nên các em giờ đều trở thành học sinh tiên tiến, chứ ban đầu yếu lắm.
Hoàn cảnh gia đình các em chúng tôi biết rất rõ, khó khăn lắm, nhà trường cũng đã từng vận động gom góp gạo giúp đỡ gia đình các em, nói thật nếu không có mấy anh bộ đội đỡ đầu giờ này các em đã nghỉ học hết rồi”.
Thượng tá Nguyễn Lý Rỡ cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã họp và thống nhất củ trương của đơn vị là quyết tâm nuôi dưỡng các cháu đến lúc trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội. Sau này học xong lớp 12 cháu nào thi đậu vào trường đại học, cao đẳng thì chúng tôi sẽ giới thiệu để các cháu được giúp đỡ tiếp tục học thành tài, giúp đỡ gia đình và đóng góp cho xã hội”.
Bài,ảnh: Cao Nguyên