(GD&TĐ) - Câu hỏi này chúng tôi đặt ra khi toà nhà Cánh diều – Trung tâm trưng bày văn hoá Đông Nam Á thuộc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã “lỗi hẹn” với công chúng bảo tàng và với cả những người hiến tặng hiện vật cho nó suốt 4 năm nay rồi. Trong khi toàn bộ nội dung trưng bày, sách ảnh và catalogue về Trưng bày văn hoá Đông Nam Á đã sẵn sàng. Mà lý do chỉ vì kinh phí quá khiêm tốn song vẫn chưa được duyệt chi đầy đủ. Đó là một nghịch lý trong thời điểm dư luận đang ồn ã về một số bảo tàng quốc gia hiện nay: nội dung và phương thức trưng bày không tỉ lệ thuận với kinh phí đầu tư xây dựng.
Đổi mới hay là chết?
TS Lưu Hùng – Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTH) nhớ lại những năm đầu thành lập, một câu hỏi thách thức được đặt ra với toàn thể lãnh đạo và nhân viên bảo tàng: Liệu có “sống” được không, theo xu hướng bảo tàng hiện đại của thế giới, hay là cũng rơi vào tình trạng “sống như chết” của nhiều bảo tàng ở Việt Nam lúc bấy giờ? Tìm lời giải cho việc thoát ra khỏi cái cũ, đi đến “tính mới” trong phương pháp tiếp cận, trong quan niệm mới về bảo tàng học, đặc biệt là những quan niệm về nhân học đương đại… là một công việc không đơn giản. Như TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc BTDTH nói, đó chính là quá trình thoát ra khỏi những quan niệm cũ trong dân tộc học đang thực hành ở Việt Nam: Từ quan niệm về tính đại diện, điển hình, bản chất và thuần khiết đến nhận thức cái đời thường chính là văn hoá; Từ quan niệm văn hoá là bất biến, chú trọng đi tìm hằng số của văn hoá đến quan niệm văn hoá như sự pha trộn, đa dạng, sự vận động và biến đổi của văn hoá; Từ chỉ một chiều ca ngợi, tôn vinh đến suy ngẫm, phản thân và tiếp cận phê phán xã hội; Từ chỉ chú trọng nghiên cứu dân tộc thiểu số, nông thôn, miền núi đến trình bày cả về đô thị, vùng công nghiệp; Từ sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ đến trao tiếng nói và trao quyền cho cộng đồng.
Tất cả những cái mới về phương pháp tiếp cận, về quan niệm đó đã được thể hiện bằng việc đa dạng hoá hoạt động tại BTDTH: Không chỉ có trưng bày thường xuyên (toà nhà Trống đồng) mà còn có khu trưng bày ngoài trời (đầu tiên có trong 127 bảo tàng của Việt Nam) với 10 công trình kiến trúc dân gian thể hiện những dạng thức văn hoá các dân tộc được đưa từ cộng đồng về, được trình diễn tại đây.
BTDTH không chỉ là nơi trưng bày mà còn là nơi để du khách được trải nghiệm về văn hoá dân tộc, và ngược lại chủ thể văn hoá của cộng đồng cũng có cơ hội để giới thiệu về văn hoá dân tộc mình, quay trở lại nhìn rõ hơn giá trị của chúng trong lòng cộng đồng chung.
Các quan niệm mới về trưng bày, về bảo tàng cũng được thực hiện tại đây. Nhiều cuộc trưng bày và trình diễn có tính chuyên nghiệp cao, phản ánh những vấn đề đương đại của đời sống được công chúng trong và ngoài nước đánh giá cao, như trưng bày về cuộc sống thời bao cấp, về văn hoá Công giáo, về Đường 9-cơ hội và thách thức; về HIV/AIDS ở Việt Nam…Những cuộc trình diễn rối nước, ca trù, nghề thủ công…đã có sức thu hút mạnh với khách tham quan và cũng là một cơ hội để bảo tồn văn hoá truyền thống. Đặc biệt, đến với BTDTH, khách tham quan không chỉ được thưởng thức, khám phá mà còn được trải nghiệm thông qua hoạt động. Sinh viên, học sinh các cấp ở Thủ đô Hà Nội đã có được một địa chỉ thân thuộc với những hoạt động trải nghiệm thú vị tại BTDTH với Phòng khám phá; với các lớp học về đồ gốm, về dệt vải; tham gia các trò chơi dân gian trong những dịp Tết thiếu nhi, Tết Trung thu và Tết Nguyên đán.
Sắp tới đây, BTDTH sẽ tổ chức những sân chơi gia đình dành cuối tuần, làm dịch vụ tổ chức các sự kiện dành cho trẻ em mà tổ chức Công đoàn các cơ quan đơn vị rất quan tâm. Với những gói dịch vụ này, chắc chắn BTDTH sẽ tiếp tục là sân chơi bổ ích mang tính giáo dục cao dành cho trẻ em khi mà những điểm vui chơi của các em đang ngày càng thiếu và yếu kém, nghèo nàn cả về cơ sở vật chất và nội dung hoạt động.
Tô vẽ mặt nạ bằng giấy bồi |
Cánh diều bao giờ bay?
Nói một cách công bằng, chỉ riêng với những hoạt động giáo dục dành cho trẻ em tại BTDTH thì cánh diều tuổi thơ đã được chắp cánh, bay lên. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn đề cập ở đây, đó chính là sự chạnh lòng của những người làm nên sự thành công của Bảo tàng số một của Việt Nam này, làm nên cái chứng chỉ 4,5 sao “Xuất sắc” mà nó vừa được tổ chức TripAdvisor - một website đánh giá chất lượng điểm đến du lịch có uy tín lớn trên thế giới – công nhận.
TS Lưu Hùng chia sẻ: 2 lớp học đồ gốm Phù Lãng mà chúng tôi tổ chức tại đây với sự tài trợ của UNESCO đã được chính tổ chức quốc tế này đánh giá là một trong 2 nước làm thành công, nhưng hầu như không được Nhà nước quan tâm để cho dự án có thể tiếp tục triển khai thường xuyên. Tất cả các hoạt động cho trẻ em trong các dịp Tết cũng hầu như do BTDTH tự trích các khoản kinh phí tiết kiệm được để đầu tư, mỗi lần cũng đến vài chục triệu đồng. Đọc loạt bài trên các báo vừa qua về 2 dự án bảo tàng lớn là Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng lịch sử quốc gia, chúng tôi càng chạnh lòng hơn. Như PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu đã ví, kinh phí cho BTDTH chỉ như “con tem dán trên lưng voi”.
Hầu như các hoạt động tại BTDTH để trả lời câu hỏi thách thức “Đổi mới hay là chết?” đều do các dự án quốc tế tài trợ. PGS.TS Võ Quang Trọng – Giám đốc BTDTH cho biết: Ngay từ khi mới thành lập, hoạt động đối ngoại là mảng công tác được BTDTH đặc biệt chú ý. Ngoài hợp tác có hiệu quả với Cộng hoà Pháp trong thời gian từ 1995 đến nay, BTDTH đã mở rộng quan hệ hợp tác với các bảo tàng của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Canada, Ý, Bỉ, Hàn Quốc, Trung Quốc…Bảo tàng cũng tranh thủ sự giúp đỡ từ các đại sứ quán tại Việt Nam như Phần Lan, Nauy, Đức, Australia và nhất là các tổ chức quốc tế như Quỹ Ford, Quỹ Rockefeller, Quỹ phát triển văn hoá Thuỵ Điển-Việt Nam…, thông qua đó, chúng tôi tìm kiếm các nguồn tài trợ để triển khai những dự án nghiên cứu, phát triển trưng bày, xây dựng khu bảo tàng ngoài trời, cũng như trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ và thúc đẩy đào tạo…
Hướng dẫn thực hành khâu vá, chăm sóc hiện vật |
ó thể nói, hiệu quả quan hệ quốc tế ở BTDTH đã lan toả sang nhiều bảo tàng tại Việt Nam, rõ nhất là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Nhiều tên tuổi chuyên gia quốc tế ban đầu chỉ được biết đến ở BTDTH thì nay đã xuất hiện ở nhiều bảo tàng khác trong nước, giúp cho các bảo tàng Việt Nam dần tiếp cận được với quan niệm về bảo tàng học hiện đại.
Trên lộ trình mở rộng quan hệ quốc tế trong phương pháp tiếp cận cũng như tổ chức hoạt động, BTDTH không chỉ là nơi bảo tồn và phát huy di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S này mà còn mở rộng nội dung về văn hoá các dân tộc Đông Nam Á. Trong bối cảnh hiện nay, đây là một hướng đi có ý nghĩa cả về văn hoá và chính trị.
Khu trưng bày về các dân tộc Đông Nam Á, mà trọng tâm là toà nhà Cánh diều được khởi công xây dựng ngày 16-6-2007, với hi vọng sẽ khai trương trưng bày đầu tiên vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, BTDTH đã buộc phải lỗi hẹn với công chúng suốt 4 năm nay, chỉ vì lý do không đáng có: tài chính. Lại là một con tem dán trên lưng voi nữa.
Giám đốc Võ Quang Trọng ngậm ngùi: -Nào chúng tôi có bao giờ dám mơ ước đến con số ngàn tỉ, toàn bộ kinh phí dự kiến xin cấp chưa đến 300 tỉ, “vỏ” toà nhà là khoảng 100 tỉ, còn lại là nội thất cho trưng bày. Trong khi chờ đợi để thực hiện lời hẹn với công chúng, chúng tôi đã chuẩn bị xong toàn bộ nội dung trưng bày, đã xuất bản catalogue của trưng bày và đã tổ chức phòng trưng bày “Một thoáng Đông Nam Á” từ tháng 10-2010. 3 nhà khoa học nguời Nhật Bản, Italia và Việt kiều tại Pháp đã tặng rất nhiều tư liệu hiện vật cho Khu trưng bày Đông Nam Á cứ liên tục hỏi khi nào thì khai trương trưng bày tại toà nhà Cánh diều, làm cho chúng tôi thật khó xử. Mới đây, chúng tôi đã đề xuất “Dự án đầu tư xây dựng-nội thất và trưng bày toà nhà Đông Nam Á tại Bảo tàng DTHVN”. Sự đầu tư này là điều kiện tiên quyết đối với việc đưa toà nhà vào hoạt động để phục vụ công chúng. Chúng tôi đang chờ đợi sự xem xét của các cơ quan chức năng. Mong mỏi lắm và hi vọng cuối năm 2013 thì trưng bày đầu tiên tại toà nhà Cánh diều sẽ được khai trương.
Vâng, đó là hi vọng, còn Cánh diều bao giờ bay? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Nguyễn Hoàng