Đất cho trường học - Mất bò chưa lo làm chuồng:

Quốc sách không được đầu tư hàng đầu

GD&TĐ - Nhiều địa phương chưa ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục, chậm xây dựng trường học làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền đi học của trẻ.

Trường Mầm non Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Trường Mầm non Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: NTCC

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Do đó, cần có cơ chế giám sát quy hoạch đất cho giáo dục và xây dựng trường học ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Việc học chưa được ưu tiên

- PGS.TS nhìn nhận như thế nào về vấn đề dành quỹ đất cho trường học, nhất là ở các thành phố lớn?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: INT

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: INT

- Tôi nhận thấy, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa hiểu được tầm quan trọng của quy hoạch đất đai với giáo dục. Nói một cách đơn giản, có đất mới xây được trường và những công trình phụ trợ khác.

Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhất là nước phát triển thường ưu tiên quỹ đất dành cho giáo dục. Vì thế, trong bản đồ quy hoạch của những nước này, đất dành cho giáo dục luôn được ưu tiên hàng đầu. Tất nhiên không chỉ quy hoạch đất để xây trường, lớp học mà còn tính toán cả đất để làm sân trường, sân vận động, vườn cây xanh, vườn thực nghiệm… và công trình phụ trợ khác.

Cách đây 20 năm, TP Hà Nội có hội nghị bàn về vấn đề giáo dục toàn diện cho học sinh. Tại hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận về tổ chức giáo dục cho học sinh như thế nào? Thầy cô, trường lớp phải ra sao để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện. Tôi cũng là người được mời lên phát biểu ý kiến. Khi đó, tôi nêu 3 vấn đề, với các nội dung xoay quanh từ khoá “đất cho giáo dục”.

Không có đất sẽ không thể nói giáo dục toàn diện cho học sinh và càng không thể đặt vấn đề nâng chất lượng giáo dục cho nhà trường nói riêng và ngành Giáo dục nói chung. Đơn cử như, học sinh cần sức khoẻ để học tập, nhưng không có quỹ đất thì nhà thể chất, sân chơi, bãi tập đặt ở đâu để các em vận động, rèn luyện sức khoẻ.

Nói như vậy để thấy rằng, quy hoạch quỹ đất cho giáo dục là vấn đề quan trọng. Vì thế, tôi mong rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương dành quỹ đất để xây dựng trường học, phát triển giáo dục toàn diện. Việc này, các địa phương có thể làm được.

Trường THCS Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: INT

Trường THCS Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: INT

Eo hẹp hay lép vế

- Một số địa phương khi đề cập đến xây dựng trường học thì nói không còn quỹ đất, trong khi lại có những dự án “treo” gây lãng phí. Có nơi 50 - 55 trẻ chen chúc trong lớp học trong khi đất cho trường có nhưng để không. Quan điểm của PGS về thực trạng này?

- Tôi cho rằng, đây là một nghịch lý. Đúng là, ở một số địa phương, có những dự án “treo” đến chục năm, khiến cỏ mọc hoang dại. Vừa mất mỹ quan, vừa lãng phí tài nguyên đất. Tôi cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiến hành khảo sát, đánh giá toàn bộ những dự án “treo”. Dự án nào không khả thi, có thể xoá tên để dành quỹ đất sử dụng vào mục đích khác; trong đó có giáo dục.

Tôi nhớ, TP Hà Nội có chủ trương di dời một số công ty, nhà máy, xí nghiệp, trường đại học ở nội đô ra vùng ngoại ô. Tôi ghi nhận và ủng hộ chủ trương này. Tôi sẽ tán thành và hoan nghênh nếu TP Hà Nội quy hoạch lại các khu đất sau di dời để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, trong đó ưu tiên xây dựng trường học. Tôi tin, việc này sẽ được nhân dân đồng tình, tán thưởng.

Ngoài ra, cũng cần có thiết chế rõ ràng. Nếu địa phương nào không làm được sẽ có chế tài xử lý và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân. Muốn vậy, Chính phủ cần yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành khảo sát toàn bộ dự án được cho là “treo” cũng như thực trạng cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xem xét và phân loại, trường nào đủ tiêu chuẩn và trường nào chưa đủ tiêu chuẩn về quỹ đất để có phương án hỗ trợ.

Với những trường trong đô thị không thể mở rộng quỹ đất, căn cứ trên hiện trạng có thể nâng tầng và cải tạo tầng 1, sân trường để học sinh có không gian vui chơi, tập thể dục, thể thao rèn luyện sức khoẻ.

Đặc biệt, các địa phương cần bám sát Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông”. Theo đó, các địa phương chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non và học sinh phổ thông.

- Đất cho trường học dù nhắc đến nhiều nhưng đến đầu năm học lại nóng. Để quy định đi vào đời sống, cần giám sát như thế nào?

- Trước hết, căn cứ vào các quy định, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT; trong đó có quy định về bình quân tối thiểu diện tích đất/học sinh (ứng với từng cấp học). Bám sát với Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản, quy định hiện hành về quy hoạch đất đai dành cho giáo dục. Đây là cơ sở để các bộ, ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương cùng giám sát việc triển khai của từng địa phương. Suy cho cùng, địa phương phải thực sự “xắn tay” vào việc thì công tác quy hoạch đất cho giáo dục mới thành hiện thực.

- Xin cảm ơn PGS!

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, quy hoạch không dành đất cho giáo dục có thể dẫn đến thiếu trường lớp cho học sinh nên rất khó để có thể phát triển giáo dục toàn diện. Quan trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền đi học của trẻ. Thực tế, nhiều trường học có số học sinh tăng đột biến, có lớp phải dồn ghép đến 50 - 60 học sinh. Thậm chí, có nơi phụ huynh phải bốc thăm may rủi để giành được suất học cho con vào học ở trường học công lập thì không thể nói giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ