Bổ sung nội dung chuyển đổi số vào dự thảo Luật
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá cao việc dự thảo lần này quy định về đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến như: đăng ký sở hữu công nghiệp ở cấp độ 3 và đang triển khai hệ thống nộp đơn điện tử ở cấp độ 4, tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến và tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp trực tuyến.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này các quy định liên quan đến nội dung chuyển đổi số.
Mặc dù dự thảo Luật đã ghi nhận và bảo hộ nhiều loại tài sản trí tuệ như: quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm phần mềm, hệ thống thông tin hay sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, nhưng qua nghiên cứu dự thảo Luật, một số vấn đề chưa được làm rõ, gây nhiều khó khăn khi thực tiễn triển khai. Cụ thể như: về khái niệm “bí mật kinh doanh” trong Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn chung chung và theo đại biểu là có nhiêu điều khó hiểu.
Đại biểu cho rằng, việc quy định tương đối chung chung, chưa rõ ràng về bí mật kinh doanh khiến việc áp dụng quy định này trong thực tế rất khó khăn đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ chưa xác định khái niệm “tài sản trí tuệ” nên hiện có sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng có đối tượng là tài sản trí tuệ.
Nếu như trong lĩnh vực kinh các lĩnh vực kinh tế khác, giá trị tài sản lớn nhất đối với doanh nghiệp là nhà máy, thiết bị, công trình thì trong kinh tế số, tài khoản tài sản có giá trị nhất lại là phần mềm dữ liệu, hệ thống thông tin. Đây đều là các đối tượng tài sản được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động chính sách, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật, đại biểu đề nghị cần làm rõ đây có phải là nghĩa vụ bắt buộc mà điều ước quốc tế yêu cầu cầu quốc gia thành viên phải ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức này khi áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật hay không? Cần làm rõ thêm các biện pháp cần thiết là gì, có tăng thêm gánh nặng cho các tổ chức hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật trong việc phải có nguồn lực để thực thi các biện pháp này hay không?
Về quy định hồ sơ, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt, phải được công chứng, chứng thực để đảm bảo tính xác thực, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện chính xác, tránh các rủi ro và tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Luật trong thực tế.
Rà soát đảm bảo tính khả thi khi áp dụng
Đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cơ bản đồng tình với báo cáo tiếp thu, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem xét thiết kế lại quy định tại Khoản 9 Điều 1: “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Đại biểu cho rằng cần bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” để đảm bảo sự thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Thái Thị An Chung chỉ ra rằng, tại nội dung sửa đổi bổ sung Điều 25 về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, dự thảo luật có quy định về “sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng những bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền: Đại biểu đề nghị rà soát quy định này để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đánh giá cao cơ quan soạn thảo, Chính phủ, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với chất lượng cao. Nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung rất thiết thực, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm thi hành các cam kết quốc tế.
Về quy định miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, đại biểu đề nghị dự thảo Luật làm rõ hơn phạm vi miễn trừ trách nhiệm cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tiền và trách nhiệm chi trả án phí, lệ phí trong trường hợp kiện ra tòa, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý khác nếu có xảy ra.
Về trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, đại biểu cho rằng những nội dung hướng dẫn cụ thể các trường hợp ngoại lệ có thể giao quy định chi tiết, đồng thời cũng có thể điều chỉnh linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn, trên cơ sở phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.