Luật Sở hữu trí tuệ bộc lộ nhiều bất cập

GD&TĐ - Thảo luận ở hội trường (chiều 26/10), các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, qua thực tiễn 16 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ đã có nhiều quy định thể hiện sự mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với một số luật khác, làm giảm hiệu quả và chất lượng điều chỉnh pháp luật nói chung.

Một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ bất cập hoặc không rõ ràng hoặc đã không còn phù hợp với thực tiễn khách quan, xuất hiện nhiều vấn đề mới cần bổ sung, chỉnh sửa cho thích hợp. Do đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết.

Cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa được nghị quyết của Đảng, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) – nhấn mạnh, dự án luật đã khắc phục được tồn tại, bất cập để thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thông qua việc tăng cường khai thác và thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, luật hóa cam kết liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Góp ý một số nội dung cụ thể, đại biểu đoàn Lao Cai đề nghị bổ sung cụm từ "có danh tiếng" vào khoản 20 Điều 4. Khi đó sửa lại thành "Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu có danh tiếng được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi".

Vì nếu không có thuộc tính “có danh tiếng” trong định nghĩa thì vừa không phân biệt được ranh giới pháp lý giữa nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu được sử dụng, thừa nhận rộng rãi theo điểm g khoản 2 Điều 74, vừa dễ gây nhầm lẫn giữa 2 đối tượng này.

Đối với Điều 75 về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng; đại biểu đề nghị bổ sung "Tùy từng trường hợp mà một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây có thể được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng".

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh.

Liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang thống nhất với phương án 1: biện pháp xử lý hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng.

Các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị phạt xử phạt hành chính, mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự nhằm từng bước làm giảm bớt biện pháp xử lý hành chính, tăng xử lý thông qua tranh tụng tại các phiên tòa. Đồng thời thiệt hại của các bên xâm phạm sẽ được đền bù thỏa đáng theo phán quyết của tòa án.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến: Theo phương án 1 về việc không áp dụng biện pháp hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mà xử lý bằng biện pháp dân sự là chưa thật sự thỏa đáng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Đại biểu đề nghị, giữ nguyên quy định của luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm phát huy vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực này và đề cao trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong việc phát hiện kịp thời hành vi vi phạm.

Mặt khác, góp phần làm giảm gánh nặng cho tòa án trong tố tụng dân sự và chi phí cho bên khởi kiện. Cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị xử phạt vi phạm nhiều lần mà vẫn tái phạm để phòng ngừa, răn đe và để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ