Lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ cần minh bạch, khách quan

GD&TĐ - Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất sẽ lấy phiếu tín nhiệm ngay giữa nhiệm kỳ đối với hiệu trưởng, hiệu phó, không đợi đến hết nhiệm kỳ.

Lần đầu tiên TPHCM tổ chức thi tuyển ba phó hiệu trưởng tại các trường THPT An Nhơn Tây, Quang Trung và An Nghĩa vào tháng 10/2022.
Lần đầu tiên TPHCM tổ chức thi tuyển ba phó hiệu trưởng tại các trường THPT An Nhơn Tây, Quang Trung và An Nghĩa vào tháng 10/2022.

Điều này được kỳ vọng sẽ xây dựng được lớp cán bộ đủ đức, tài, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc làm cần thiết

Thời gian qua, một số lãnh đạo nhà trường đến cuối nhiệm kỳ đã không được bổ nhiệm lại vì tín nhiệm thấp và điều chuyển làm chuyên viên hoặc quay trở lại làm giáo viên. Gần nhất, cô Trần Thị Thu Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Can (Quận 8, TPHCM) vừa nhận quyết định chuyển về làm chuyên viên Sở GD&ĐT TPHCM. Lý do bởi cô Thủy không được Sở tái bổ nhiệm nhiệm kỳ thứ 2, do không đủ phiếu tín nhiệm tại trường.

“Cán bộ quản lý phải xây dựng nên môi trường để giáo viên được lắng nghe, đóng góp, chia sẻ, giúp quá trình đổi mới nhà trường thêm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục tại đơn vị. Việc khen thưởng, kỷ luật phải khách quan, kịp thời, công tâm, có hiệu quả.

Mục tiêu duy nhất là hướng đến phát triển nhà trường, tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh rèn luyện, học tập. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì trước hết phải nâng cao được chất lượng đội ngũ, đặc biệt cán bộ quản lý trong các trường học, tránh sức ỳ, đảm bảo lựa chọn được những cán bộ quản lý có đức, có tài”, ông Lộc cho biết.

Theo ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TPHCM, các trường học trên địa bàn thành phố đã phát huy tối đa tính dân chủ trong đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ quản lý tại cơ sở. Hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm lại cán bộ quản lý các nhà trường chỉ được thực hiện vào cuối mỗi nhiệm kỳ.

Tuy nhiên từ năm học 2022 - 2023, nhằm tăng cường công tác quản lý cán bộ, với những trường hợp cán bộ quản lý trong thời gian công tác điều hành công việc nhà trường thiếu hiệu quả, giảm sút về uy tín, có dư luận xấu kéo dài làm ảnh hưởng đến uy tín của trường và ngành Giáo dục, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ nghiên cứu và đề xuất lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.

Cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), chia sẻ: “Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với hiệu trưởng, hiệu phó sẽ đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của từng cán bộ quản lý.

Đồng thời cán bộ quản lý sẽ thực hiện nhiệm vụ tốt và hiệu quả hơn, cũng như giúp mỗi người quản lý soi rọi lại việc thực hiện nhiệm vụ của mình, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế. Từ đó, nhà trường sẽ có những đề xuất đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp phân công lại cho phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục nhà trường”.

Nâng cao chất lượng giáo dục từ lá phiếu

Bà Phạm Thúy Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4, cho biết, hàng năm các trường đều tổ chức đánh giá chuẩn hiệu trưởng và hiệu phó vào cuối năm học. Giáo viên cũng góp ý, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng cơ bản vẫn là thủ tục. Có góp ý tốt nhưng bỏ phiếu lại không đồng ý, rất ít giáo viên mạnh dạn góp ý thẳng thắn vì nhiều lý do. Trường hợp hiệu trưởng, hiệu phó nếu có “vấn đề”, việc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ là hợp lý. Thông qua đó sẽ khảo sát, nắm được dư luận trong trường.

Lãnh đạo UBND TPHCM và Sở GD&ĐT TP trao quyết định bổ nhiệm cho 3 ứng viên trúng tuyển vị trí hiệu phó sau quá trình thi tuyển.

Lãnh đạo UBND TPHCM và Sở GD&ĐT TP trao quyết định bổ nhiệm cho 3 ứng viên trúng tuyển vị trí hiệu phó sau quá trình thi tuyển.

“Việc bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ giúp cán bộ quản lý biết lắng nghe góp ý của giáo viên, từ đó điều chỉnh hành vi, thái độ và năng lực của mình. Đặc biệt, nếu đưa ra quy định này cán bộ quản lý sẽ tự điều chỉnh mình về mọi mặt. Bởi nếu bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tức là người có vấn đề, sẽ mất uy tín… Điều quan trọng, ai sẽ nêu ra những mặt tiêu cực của cán bộ quản lý đó để đem ra bỏ phiếu. Vì vậy giáo viên phải thật sự mạnh dạn, thẳng thắn góp ý và bỏ phiếu đúng, không được có tình trạng góp ý một đằng, bỏ phiếu một nẻo”, bà Hà chia sẻ.

Còn ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM), chia sẻ: “Thực tế cán bộ quản lý, đặc biệt hiệu trưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ rất vất vả. Một hiệu trưởng làm việc công tâm, hết lòng hết sức không dễ dàng. Việc lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng để cán bộ biết được uy tín của mình đang ở mức độ nào, qua đó khắc phục những hạn chế, phấn đấu để tốt hơn”.

Tuy nhiên theo ông Điệp, đối với việc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ thì phải đưa ra tiêu chí cụ thể. Chẳng hạn như: Tiêu chí thực hiện kế hoạch năm học quản lý nhà trường, tiêu chí quản lý chuyên môn, tiêu chí về kết quả học tập của học sinh… để hội đồng nhà trường đánh giá. Nếu không đưa ra tiêu chí cụ thể mà bỏ phiếu chung chung dễ sinh ra cảm tính thù ghét, hiệu quả không cao. Từ đó làm cho người hiệu trưởng quản lý nhà trường cảm thấy rụt rè, sợ mất lòng.

“Việc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ đối với những cán bộ quản lý có vấn đề sẽ giúp cho hiệu trưởng, hiệu phó nhận thức về công việc của mình. Kịp thời điều chỉnh nếu có những sai phạm mà do chủ quan chưa thấy hết. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu tín nhiệm cần làm thực chất, khách quan. Đặc biệt, những cán bộ, giáo viên chủ chốt bỏ phiếu cũng phải phát huy dân chủ, tính giám sát, đánh giá khách quan, được thể hiện tiếng nói, tín nhiệm của mình với lãnh đạo”, ông Điệp nhấn mạnh.

Cô Phương Ngọc, giáo viên một trường THPT của Quận 4, chia sẻ: “Ban giám hiệu, đặc biệt hiệu trưởng được xem như ‘đầu tàu’, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thương hiệu nhà trường. Là tổ trưởng chuyên môn nên mỗi đợt bỏ phiếu tín nhiệm tôi luôn công tâm trong việc nhận xét, đánh giá cũng như có trách nhiệm với lá phiếu của mình.

Với những cán bộ quản lý điều hành công việc nhà trường thiếu hiệu quả, có dư luận xấu kéo dài… ảnh hưởng đến uy tín nhà trường và ngành Giáo dục thì việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ rất hợp lý. Việc này sẽ giúp cán bộ quản lý biết được hạn chế bản thân, từ đó đồng hành cùng giáo viên thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đã đề ra”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ