Đề xuất cơ chế quản lý đại học vùng như đại học quốc gia

GD&TĐ - Xung quanh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp này, PGS.TS Đỗ Anh Tài – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) nêu đề xuất đưa nội dung về mô hình ĐH vùng trong Dự thảo - ĐH vùng có cơ chế quản lý như mô hình ĐH quốc gia.

Phát triển đào tạo đa ngành, đa nghề là yêu cầu gắn với quy mô phát triển của ĐH vùng
Phát triển đào tạo đa ngành, đa nghề là yêu cầu gắn với quy mô phát triển của ĐH vùng

Thể hiện sức mạnh mô hình đào tạo đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực

Nhìn tổng thể ba Đại học vùng hiện nay, PGS.TS Đỗ Anh Tài nhận định việc hình thành mô hình ĐH vùng đã tạo nên sức mạnh cho các trường ĐH thành viên. Như ở ĐH Thái Nguyên, thế mạnh của ĐH vùng đã được thể hiện trong 25 năm qua, thông qua các hoạt động về đào tạo, quy mô của sinh viên, các thành quả về khoa học – công nghệ… trong thời gian qua phát triển cả về số lượng và chất lượng, hợp tác quốc tế được chú trọng... Đặc biệt, số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, giảng viên của ĐH Thái Nguyên được tăng lên khá nhiều trong thời gian vừa qua. Có thể thấy ĐH vùng đã kết nối và thể hiện được sức mạnh của mô hình đào tạo đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực.

Tại ĐH Thái Nguyên, một số trường ĐH thành viên mới hình thành được quan tâm và đầu tư hơn so với các trường ĐH đã có bề dày phát triển. Bên cạnh đó, ĐH Thái Nguyên cũng được phân cấp, phân quyền nhiều hơn từ cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT và từ đó tiếp tục phân quyền cho các đơn vị thành viên nên một số hoạt động được triển khai tương đối nhanh gọn. Ví dụ như các trường ĐH thành viên được giao quyền chủ động trong việc hợp tác, lựa chọn đối tác quốc tế.

Tuy nhiên, ở một vài điểm thì tính tự chủ, tự quyết của các trường ĐH thành viên có phần bị hạn chế. Quan điểm, mục tiêu hình thành ĐH vùng để tận dụng cơ sở vật chất chung, nguồn lực con người chung nhưng chưa được thực hiện triệt để khiến nguồn lực vẫn còn bị phân tán. Điều này dẫn đến sức mạnh của ĐH vùng chưa thực sự được phát huy.

Cần quy định rõ ràng trong Luật Giáo dục ĐH

Theo PGS.TS Đỗ Anh Tài, khi hướng tới tự chủ, việc đầu tiên cần quan tâm với mô hình ĐH vùng chính là giải quyết bài toán về đường hướng phát triển của ĐH vùng. Hiện, vai trò ĐH vùng chưa được thể hiện rõ nét trong Luật Giáo dục ĐH. Vì vậy, cần đưa ra những quy định rõ ràng về luật định; từ đó mới hình dung được vai trò cụ thể của mô hình ĐH vùng, đặc biệt trong cơ chế tự chủ khi bỏ đi cơ quan chủ quản. “Được biết đang có dự án thí điểm một số trường ĐH tự chủ không có Bộ chủ quản. Vậy các trường thành viên trong ĐH vùng liệu có còn cơ quan chủ quản hay không? Nội dung này có lẽ cần phải làm rõ trong Luật Giáo dục ĐH, rồi sau đó có nghị định, thông tư hướng dẫn...” – PGS.TS Đỗ Anh Tài chia sẻ.

Hiện ĐH Thái Nguyên đang bàn đến việc tái cơ cấu ở cấp ĐH cũng như các trường ĐH thành viên. Các trường vẫn đang bàn thảo vấn đề này tuy nhiên cái vướng nhất hiện nay là chưa rõ ràng về cơ chế nên mọi thứ đều chỉ là dự thảo, đợi khi Luật Giáo dục mới được ban hành và các nghị định, thông tư hướng dẫn có hiệu lực mới có thể xác định rõ được cơ cấu ĐH và các đơn vị thành viên....  

PGS.TS Đỗ Anh Tài

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) phân tích: ĐH vùng là một ĐH trọng điểm vì vậy cần một cơ chế mới – cơ chế như mô hình ĐH quốc gia để thúc đẩy ĐH vùng phát triển. Có như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Lúc đó, ĐH vùng sẽ đúng nghĩa là ĐH trọng điểm, có sự chú ý trọng điểm, đầu tư trọng điểm với những nhiệm vụ trọng điểm tạo nên sự khác biệt so với các trường ĐH bình thường. Vai trò, nhiệm vụ của ĐH vùng hướng đến ĐH nghiên cứu nhiều hơn, làm nhiệm vụ giống như một đầu kéo cho toàn bộ các trường trong khu vực.

“Điều các trường ĐH thành viên mong muốn chính là cơ chế quản lý cho ĐH vùng và các trường ĐH thành viên một cách rõ ràng và nhất quán. Hiện ĐH vùng đang là mô hình ĐH 2 cấp quản lý với Bộ GD&ĐT, ĐH vùng rồi đến các trường ĐH thành viên. Nếu giống như ĐH quốc gia sẽ trở thành mô hình 1 cấp quản lý. Cơ chế này giúp cho các trường ĐH thành viên phát huy được sức mạnh toàn diện và không bị vướng khi triển khai tự chủ ĐH trong thời gian tới” – PGS.TS Đỗ Anh Tài chia sẻ.

Thừa nhận đề xuất cơ chế cho ĐH vùng giống như ĐH quốc gia là một điều mới, PGS.TS Đỗ Anh Tài dự đoán đề xuất có thể bị “vướng” đôi chỗ. Hiện nay mới chỉ nhìn nhận có hai mô hình ĐH quốc gia là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, nếu bây giờ, 3 ĐH vùng: ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng hoạt động theo mô hình ĐH quốc gia sẽ cần sự thay đổi về tư duy, tầm nhìn về ĐH vùng. “Câu chuyện này cần các cấp có thẩm quyền, các chuyên gia cùng suy nghĩ, đưa ra lời giải một cách thấu đáo” – PGS.TS Đỗ Anh Tài cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.