Quốc hội không tán thành giảm thuế VAT với bất động sản

GD&TĐ - Sáng 13/5, tiếp tục họp phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng.

Quốc hội không tán thành giảm thuế VAT với bất động sản

Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43) ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) năm 2022.

Trình bày Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế VAT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT đối với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng đến hết ngày 31/12/2023.

Cụ thể, áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.

So với Nghị quyết số 43, Dự thảo của Chính phủ đã mở rộng phạm vi giảm thuế VAT 2% để áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin,…

Tuy nhiên, hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.

Bên cạnh đó, báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện giảm thuế VAT năm 2022 cũng chỉ đề cập đến một số lý do vướng mắc về kỹ thuật như cách xác định hàng hoá, thời điểm lập hoá đơn, mô tả hàng hoá,… trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43. Về cơ bản, các vướng mắc này cũng đã được xử lý trong quá trình thực hiện.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi, trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2022 khi ban hành Nghị quyết số 43, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế VAT.

Do đó, hiện nay dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế VAT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43.

Dự kiến số giảm thu ngân sách khi áp dụng giảm thuế VAT cho các đối tượng theo Nghị quyết số 43 là 24.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Dự kiến số giảm thu ngân sách khi áp dụng giảm thuế VAT cho các đối tượng theo Nghị quyết số 43 là 24.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Thêm vào đó, Chính phủ dự kiến số giảm thu là 35.000 tỷ đồng, tính toán cho phương án mở rộng phạm vi áp dụng cho tất cả các hàng hoá dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%.

Tuy nhiên, nếu áp dụng việc giảm thuế VAT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước là sẽ giảm xuống còn 24.000 tỷ đồng.

Giảm thuế nhưng không làm giảm thu ngân sách

Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT năm 2022 đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng, để tăng thu là đúng đắn.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn vì doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách thì có thực sự kích cầu hay không.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì Chính phủ đánh giá chưa rõ. Do đó, trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc tổ chức thực hiện phải bảo đảm khả thi, vừa có phần giảm để kích cầu, vừa lấy phần kích cầu đó để bù vào phần hụt thu. Lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng cũng không làm giảm thu ngân sách trong giai đoạn hiện nay và không làm tăng bội chi ngân sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.