Chính phủ đã đồng ý với đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT và yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương chuẩn bị để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2023 nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển trở lại để đóng góp cho ngân sách.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Thời gian áp dụng là từ khi chính sách được thông qua đến hết năm 2023.
Bộ Tài chính cho biết, dự kiến chính sách giảm thuế VAT sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương giảm 35 nghìn tỷ đồng.
Dù ngân sách có thể sụt giảm trước mắt nhưng giảm thuế VAT là một mũi tên trúng nhiều đích, mang đến lợi ích kép.
Trước hết, giảm thuế VAT góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, qua đó hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, người hưởng lợi sẽ là toàn xã hội, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến mỗi người dân.
Đặc biệt, với những người bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hay bị giảm thu nhập do mất việc làm, bớt 2% thuế VAT sẽ giúp họ giảm gánh nặng chi tiêu. Đối với nhóm người tiêu dùng còn lại, giá cả hàng hóa giảm do thuế giảm chính là yếu tố kích thích tiêu dùng hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp, thuế giảm dẫn đến giá thành giảm, nhờ đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, giảm giá bán, thúc đẩy tăng doanh số. Ngoài ra, chính sách này cũng tác động đến an sinh xã hội, gián tiếp tác động đến tâm lý người dân, doanh nghiệp và do đó tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế.
Nhìn lại năm 2022, đóng góp vào thành quả tăng trưởng 8% không thể không kể đến quyết sách giảm 2% thuế VAT được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Đặc biệt, thu ngân sách vẫn vượt dự toán khoảng 20% dù nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực thi.
Sau những lúng túng ban đầu, hoạt động kê khai, nộp và thu thuế khi áp dụng chính sách này đã đi vào ổn định. Việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong năm nay sẽ giúp đẩy lùi mối lo lạm phát, tiếp tục hỗ trợ người dân và tăng sức đề kháng để doanh nghiệp không bị cuốn theo những cơn gió được dự báo là không lành của nền kinh tế thế giới!