Đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang và làm việc Công ty TNHH Luxshare-ICT (Vân Trung), thăm và khảo sát các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh: Trường MN Hoàng Ninh, Trường MN VSCHOOL, cơ sở độc lập tư thục tại thị trấn Nếnh. Khảo sát tại 2 nhóm trẻ độc lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn huyện Việt Yên.
Đảm bảo nuôi dạy trẻ chất lượng
Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 366 cơ sở GDMN ở khu công nghiệp (KCN). Trong đó, trẻ nhà trẻ là 8.773 trẻ (đạt 19%); trẻ mẫu giáo là 58.659 trẻ (đạt 99,74%); riêng mẫu giáo 5 tuổi là 18.620 trẻ (đạt 100%). Việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ, đảm bảo trẻ ra lớp được ăn bán trú, được kiểm tra sức khỏe định kỳ và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới.
Sở GD&ĐT giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng trên địa bàn; xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDMN, các nhóm trẻ độc lập nói riêng triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; thanh tra, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các cơ sở GDMN trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; phối hợp với các ngành liên quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi làm việc |
Các cấp quản lý GDMN thường xuyên thực hiện công tác quản lý đối với các cơ sở GDMN ở KCN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện các qui định đối với các cơ sở GDMN KCN. Thực hiện đổi mới công tác kiểm tra đối với các cơ sở GDMN theo hướng thực chất và hiệu quả.
Ngành giáo dục đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý đối với cơ sở GDMN ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở độc lập tư thục (ĐLTT); tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện sai phạm và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm tại các cơ sở GDMN ngoài công lập.
Sở chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động của các cơ sở ĐLTT trên địa bàn. Kết quả kiểm tra thời điểm tháng 11/2021, có 244/244 cơ sở được kiểm tra (đạt 100%); có 1/244 cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động và địa phương đã kịp thời ra Quyết định đình chỉ hoạt động đối với cơ sở này.
Giải pháp và kiến nghị
Để GDMN nói chung và GDMN ở các KCN tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu của người dân, Bắc Giang đã có hướng đi: Tiếp tục tìm giải pháp phù hợp, linh hoạt để chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết, Đề án, Chương trình, kế hoạch nhằm phát triển GDMN nói chung và GDMN ở KCN nói riêng; thực hiện kịp thời, đúng, đủ đối tượng, hiệu quả các chính sách phát triển GDMN của Chính phủ cũng như của địa phương.
Tiếp tục nghiên cứu, xem xét ban hành quy định về học phí đối với GDMN để giảm sự chênh lệch về học phí giữa các cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập. Chỉ đạo Sở GD&ĐT tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo cho đội ngũ CBQL, GV, NV các cơ sở GDMN ở KCN, đặc biệt là đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập.
Chỉ đạo các cấp quản lý GDMN tích cực, chủ động, ưu tiên thực hiện công tác hỗ trợ, giám sát hoạt động đối với các cơ sở GDMN ở địa bàn KCN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những sai phạm, hạn chế để yêu cầu khắc phục kịp thời trong tổ chức, hoạt động của các cơ sở GDMN ở địa bàn KCN.
Một lớp học của trẻ mầm non cơ sở ĐLTT Bích Duyên, Thị trấn Nếnh, Việt Yên, mà đoàn đến thăm. |
Chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn; tuyên truyền về GDMN, công tác xã hội hóa trong GDMN nhằm tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển GDMN ở KCN.
Duy trì và tiếp tục chú trọng công tác giám sát, hỗ trợ hoạt động đối với các cơ sở GDMN ở địa bàn KCN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những sai phạm, hạn chế và yêu cầu khắc phục kịp thời trong quá trình tổ chức, hoạt động của các cơ sở GDMN ở địa bàn KCN.
Bắc Giang cũng kiến nghị với Quốc hội và các Bộ, ngành hữu quan. Tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật đối với GDMN nói chung, GDMN ở KCN, KCX nói riêng để kịp thời phát hiện những bất cập trong thực hiện ở cơ sở; có hướng chỉ đạo phù hợp, kịp thời để các chính sách đi vào thực tiễn đạt hiệu quả.
Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ về CSVC cho các CSĐL tư thục để khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển mạng lưới CSĐL tư thục, tiếp tục góp phần giảm quá tải số trẻ ra nhóm, lớp trong các cơ sở GDMN công lập, đáp ứng nhu cầu gửi con đến trường của nhân dân; hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho giáo viên tại các cơ sở GDMN ngoài công lập để cơ sở GDMN ngoài công lập chi trả lương cao hơn cho giáo viên.
Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính: Quan tâm cân đối vốn đầu tư, nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách trung ương để thực hiện gắn các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đề án phát triển GDMN, trong đó có GDMN ngoài công lập, GDMN ở KCN, KCX.
Kết luận tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Bắc Giang trong thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với GDMN tại KCN; nhấn mạnh tỉnh Bắc Giang là điểm sáng phát triển công nghiệp, thu hút phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm bền vững cho đông đảo người lao động.
Tuy nhiên, phát triển KCN nhanh chóng khiến Bắc Giang đang phải đối mặt với áp lực gia tăng dân số cơ học, khó khăn trong việc đầu tư các nguồn lực phục vụ công tác giáo dục. Bắc Giang cần xây dựng chính sách đặc thù cho GDMN KCN và tiếp tục triển khai các chính sách pháp luật liên quan đến GDMN KCN đồng bộ, hiệu quả.
Trong thời gian tới cần thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân có chỗ học tốt, giúp công nhân ổn định yên tâm làm việc. Chú trọng đến các giải pháp nâng cao tỷ lệ thu hút trẻ dưới 3 tuổi ra lớp; triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ GDMN, qua đó rà soát các vấn đề còn tồn đọng, những khó khăn còn tồn tại để tập trung tháo gỡ và tiếp tục đề xuất giải pháp để hoạt động nuôi dạy trẻ tại các cơ sở GDMN tiếp tục ổn định.
Đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, ban hành các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện công tác quản lý đối nhà nước, quản lý các hoạt động chuyên môn đối với các nhóm lớp độc lập tư thục; tài liệu hỗ trợ hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên ở nhóm lớp độc lập tư thục. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành tham mưu hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức triển khai Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển GDMN ngoài công lập, GDMN ở KCN, KCX; để triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật đối với GDMN ở KCN, KCX.