Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp nâng cao chất lượng Giáo dục Mầm non

GD&TĐ - Các đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với những ý kiến tham luận từ thực tế địa phương mình tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 giáo dục Mầm non ngày 19/8

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu kết luận tại Hội nghị Tổng kết năm học GDMN
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu kết luận tại Hội nghị Tổng kết năm học GDMN

Đảm bảo công bằng trong nuôi dạy trẻ

Tham luận và thảo luận tại Hội nghị, từ thực tế, các đại biểu đã phân tích và làm rõ nhiều vấn đề của GD Mầm non (MN) như: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình GDMN trong bối cảnh mới; Một số mô hình hoạt động nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN thông qua việc triển khai hiệu quả Chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”; Thực hiện Nghị định 105/NĐ-CP và ban hành chính sách địa phương.

Từ thực tế đa dạng vùng miền, tham luận cũng làm rõ việc Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Cũng như sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Vấn đề củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phải phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì phiên thảo luận tại Hội nghị Tổng kết năm học GDMN

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì phiên thảo luận tại Hội nghị Tổng kết năm học GDMN

Một trong những vấn đề được Hội nghị quan tâm là việc đảm bảo công bằng trong các hoạt động nuôi dạy trẻ. Đó là việc Thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”; Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn và vùng có khu công nghiệp; Tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục; Cũng như vấn đề Tăng cường ứng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhà trường và thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Trả lời kiến nghị của các địa phương, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Đã có những sửa đổi mới trong Thông tư 06 để phù hợp hơn như bỏ quy định về định mức “tối đa” trong định mức giáo viên. Thông tư 01 về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, sẽ sửa theo hướng mỗi cấp học một chương trình và một chứng chỉ. Theo thông tư mới GV đã có chứng chỉ của bất kỳ hạng GV nào thuộc Thông tư cũ sẽ không phải học để có chứng chỉ theo Thông tư mới; Thời gian giữ hạng của GV mầm non hạng III là 3 năm thay cho 9 năm theo Thông tư cũ, vv...

Đại biểu địa phương phát biểu tham luận tại Hội nghị

Đại biểu địa phương phát biểu tham luận tại Hội nghị

"Vấn đề thừa thiếu GV, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ, ban hành nhiều giải pháp, mong các địa phương có sự sáng tạo trong việc tuyển và sử dụng, từng bước khắc phục thừa, thiếu GV. Các địa phương cũng tăng cường ký hợp đồng theo Nghị định 102 để đáp ứng yêu cầu nhân lực. Thang bảng lương GV theo Nghị quyết 27 cũng được Bộ tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành để quan tâm đến đội ngũ GV mầm non căn cứ theo sự phức tạp của vị trí việc làm". – Ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao việc các đại biểu đã thảo luận tích cực, tập trung vào những vấn đề cốt lõi, tìm cách tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đối với GDMN. Sau một năm nhiều khó khăn chúng ta làm được nhiều việc, tinh thần đổi mới sáng tạo đã thấm đượm trong GDMN. Các địa phương đã thể hiện tốt vai trò tham mưu của địa phương, đã có nhiều mô hình hay hiệu quả, thực hiện chương trình GDMN phù hợp với bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ Quản lý GD trả lời các kiến nghị của đại biểu

Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ Quản lý GD trả lời các kiến nghị của đại biểu

Tuy nhiên GDMN còn nhiều khó khăn, đội ngũ GVMN thiếu, thu nhập thấp. Khó khăn vậy nhưng nhiều thầy cô không nản lòng mà hun đúc tình yêu với trẻ bằng những đóng góp cho sự nghiệp. Cảm thông với những khó khăn của GVMN phải nghỉ việc, Vụ GDMN đã thể hiện trách nhiệm cao bằng những đề xuất hỗ trợ cho GV, nhưng không thể kịp thời được vì quy trình làm phải qua các bộ, ngành và cần phải có thời gian. Những bất cập là hiện hữu, các địa phương cần có sáng tạo để tham mưu cho địa phương tuyển GV, chuẩn hóa GV.

Nhấn mạnh đội ngũ quan trọng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tăng cường tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ và để GV làm quen với chương trình GDMN sửa đổi. Tuy nhiên mới chỉ là đội ngũ cốt cán, trong khi những nội dung này phải được lan tỏa đến tất cả GVMN. Chúng ta cần quan tâm nhiều đến hoạt động này. Cùng với đó là việc đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ cần tính các giải pháp xã hội hóa, tạo điều kiện cho trường tư, tham mưu để các trường cùng phát triển.

Chuyển đổi số, áp dụng CNTT là hết sức cần thiết, nếu áp dụng tốt sẽ có hiệu quả tốt hơn nhiều. Bến Tre là một địa phương hiệu quả trong công tác tham mưu cần được học tập. Cơ sở vật chất thời gian qua có được sự quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa kịp. Bài học của tỉnh Nghệ An trong việc phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng đã áp dụng hiệu quả, cần nghiên cứu để huy động, tạo đồng thuận trong xã hội. Nếu biết cách làm, tăng cường vai trò của phụ huynh, của cộng đồng sẽ đem lại hiệu quả giáo dục cao.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh tặng hoa cán bộ nghỉ chế độ

Thứ trưởng Ngô Thị Minh tặng hoa cán bộ nghỉ chế độ

Các thầy cô cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, coi trọng tạo môi trường an toàn, không bạo lực. Mô hình phải được đúc rút với những điển hình tốt, phải tính toán kỹ từng mô hình, làm đến đâu kết quả thế nào. Cần tạo dựng mô hình hay cho từng địa phương và mỗi địa phương những mô hình hay này sẽ nhân rộng ra toàn quốc để học tập. Vấn đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non phải dựa trên tiếng mẹ đẻ, cần được quan tâm đặc biệt để trẻ tiếp thu đầy đủ hoạt động dạy học.

Cơ chế chính sách rất quan trọng, các vụ cục của Bộ GD&ĐT cần lưu tâm, cập nhật hoạt động điều hành. Vụ GDMN tăng cường kết nối với các đơn vị hữu trách để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và những kiến nghị của địa phương. Việc tháo gỡ khó khăn không phải là một sớm chiều, nhưng cần phải lắng nghe và lĩnh hội để có tham mưu với các cơ quan có thẩm quyền, ban hành chính sách sát với thực tế nhất.

Hội nghị đã thông qua kế hoạch năm học 2022 – 2023 cho GDMN, đồng thời nghe giới thiệu về Hiệp hội GDMN ngoài công lập; chia tay cán bộ quản lý GDMN về hưu. Thứ trưởng Ngô Thị Minh chúc sức khỏe các thầy cô và mong tiếp tục có những cống hiến cho ngành.

Việc phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo Vụ GDMN có trách nhiệm kết nối, xây dựng Đề án phổ cập GDMN trẻ 4 tuổi và quan tâm phát triển GDMN vùng khó. Chính phủ đã đặt ra lộ trình, chúng ta cần tính toán ở các lứa tuổi 3 – 4 – 5 có sự quan tâm, quan tâm sâu. Các mô hình đang thực thi hiện nay rất hay như ở Bắc Giang với tổ chức hoạt động nuôi dạy trẻ ở các khu công nghiệp hiệu quả. Tham mưu là việc khó, hiện còn 10 tỉnh chưa tham mưu được với UBND tỉnh, hy vọng hoạt động tham mưu triển khai ở những địa phương này hiệu quả hơn. Việc triển khai Nghị định 105 về chính sách phát triển GDMN phải thực hiện để đạt kết quả mong đợi nhất. - Thứ trưởng Ngô Thị Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ